Từng bước chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn

17/04/2023, 07:28

Là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước và có tiềm năng kinh tế dồi dào từ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, với các hoạt động khai thác thủy sản quá mức, đã làm cho Bình Thuận đứng trước nhiều thách thức về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường biển…

Kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản

Kinh tế biển hiện là ngành chủ lực trong các hoạt động kinh tế của Bình Thuận. Tuy nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhưng nếu mất cân đối giữa khai thác và bảo vệ thì nguồn lợi thủy sản sẽ cạn kiệt và cuộc sống của ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, nguồn lợi thủy hải sản ở tỉnh giảm đáng kể, vì nhiều ngư dân đã dùng thuốc nổ, giã cào bay, khai thác tận diệt, khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nặng nề. Để ngành thủy sản phát triển bền vững hơn, cuối năm 2022, tỉnh Bình Thuận đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030”, với mục tiêu từng bước xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản.

da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-2-.jpg
Kinh tế biển hiện là ngành chủ lực trong các hoạt động kinh tế của Bình Thuận (ảnh: N. Lân)

Theo đó, đề án này hướng đến mục tiêu sẽ kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản, phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Qua đó từng bước xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học… Cùng với đó, triển khai hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản; triển khai hiệu quả hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (thảm cỏ biển, rạn san hô...) góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

unnamed-2.jpg
Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản (ảnh: Q. Nhân)

Phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bình Thuận sẽ tiến hành rà soát văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản, đề xuất bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, triển khai kịp thời các quy định về phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải trong hoạt động thủy sản. Thực hiện điều tra, đánh giá lượng thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh (hoạt động khai thác thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản, hoạt động tại cảng cá, cơ sở chế biến thủy sản). Song song đó, sẽ triển khai hoạt động quan trắc môi trường thường niên tại các vùng nuôi tập trung/trọng điểm, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, nguồn cung nước đầu vào và đầu ra cho các vùng nuôi trồng thủy sản, các khu vực chế biến thủy sản, khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, sẽ thành lập và triển khai hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.

image00631.jpg
Đong tôm giống ở Bình Thuận

Một trong những mục tiêu mà đề án này hướng đến là bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Theo đó, sẽ bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản, các hệ sinh thái rạn san hô, rạn đá ngầm, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn… Mở rộng diện tích khu bảo tồn biển gắn với việc thúc đẩy phát triển mô hình đồng quản lý. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các loài thủy sản ngoại lai xâm hại. Triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản cho ngư dân. Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trọng điểm của tỉnh, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu chế biến thủy sản...

dsc01697.jpg
Thực hiện điều tra, đánh giá lượng thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản.

MINH VÂN

Related articles
Xử phạt 12,5 triệu đồng vì tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản
BTO-Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng (CKC) Phú Quý vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng đối với ông Võ Văn Cường (SN 1982, trú xã Long Hải, huyện Phú Quý) về hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từng bước chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn