Tự thân vận động

29/04/2022, 07:45

Khi chương trình cải cách giáo dục phổ thông còn đang dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến, tôi nhớ khi ấy có một đại biểu phát biểu về dự thảo “rằng hay thì thật là hay”… (tức mượn câu nói của Kim Trọng khi nghe tiếng đàn của Thúy Kiều), một dự thảo rất lãng mạn.

screenshot_1651193331.png
Sách giáo khoa lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quen cách bề trên

Khi nghe phát biểu như thế, hội trường cười ồ. Chủ trì hội nghị lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, tỏ ra không hài lòng với lời góp ý của đại biểu kia, nói rằng dự thảo một chương trình phải dự tính kế hoạch thực hiện lâu dài cho 5 năm, 10 năm, 15 năm sau. Nghe cách lập luận bảo vệ cho dự thảo như thế, mọi người im lặng, dẫu trong đó có nhiều người không đồng tình. Đến khi Bộ chính thức ban hành chương trình theo Thông tư số 32/BGD-ĐT, ngày 26/12/2018, (nay gọi là chương trình giáo dục phổ thông 2018), yêu cầu các cơ sở triển khai thực hiện thì hàng loạt vấn đề đặt ra không đơn giản với việc áp dụng chương trình vào thực tế dạy – học. Từ khi hội thảo lấy ý kiến, rồi chính thức ban hành Thông tư số 32, đến nay đã 7, 8 năm rồi, chương trình ấy đưa vào áp dụng quả là phức tạp. Hóa ra ý kiến phát biểu của đại biểu trong hội thảo trước kia đã thấy rõ được những gì sẽ xảy ra ở tương lai của dự thảo, nhưng họ không mấy quan tâm. Xây dựng một chương trình đồ sộ, nghe hay đấy, nhưng khi thực hiện lại vênh nhau quá xa với thực tế cơ sở các trường học – nhất là với cấp trung học phổ thông. Không lãng mạn là gì!

Nỗi niềm gỡ rối

Gặp rất nhiều khó khăn – có giáo viên nói “rối như canh hẹ”, khi thực hiện chương trình, nhưng năm học 2022 – 2023 đang bước đến gần kề, các trường trung học phổ thông phải xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện dạy – học cho học sinh lớp 10 theo chương trình và sách giáo khoa mới. Trao đổi với một số thầy cô phụ trách chuyên môn, họ nói trong tình thế như vậy buộc nhà trường phải đề ra một số phương án cụ thể, đó là dựa trên quy mô tuyển sinh lớp 10 và số lượng giáo viên hiện có của từng bộ môn, cũng như phương án tuyển sinh của các trường đại học trong những năm qua, trường biên chế học sinh vào nhiều loại hình lớp, có trường biên chế thành 3, 4 hoặc 5 loại hình, đặt tên các loại hình lớp là: A, B, C, D, G. Xây dựng các loại hình lớp như vậy là giúp học sinh phân biệt sự khác nhau để đăng ký theo học các môn lựa chọn. Các môn học ở mỗi loại hình lớp như sau: Ngoài 5 môn học bắt buộc: Ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh và 2 hoạt động giáo dục: Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương; từ đó dựa trên cơ sở nhóm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nhà trường xây dựng loại hình lớp với các môn lựa chọn. Cụ thể như loại hình lớp A học các môn lựa chọn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, tin học; lớp B học các môn lựa chọn: Vật lý, hóa học, lịch sử, tin học, công nghệ; lớp C học các môn lựa chọn: Hóa học, sinh học; địa lý, kinh tế và pháp luật, công nghệ; lớp D học các môn lựa chọn: Lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật, vật lý, tin học; lớp G học các môn lựa chọn: Lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật, vật lý, công nghệ. Trong đó, dựa vào số lượng giáo viên bộ môn hiện có của trường để biên chế số lượng lớp theo loại hình, nhằm tránh tình trạng thừa hoặc thiếu giáo viên đứng lớp. Như loại hình lớp A, biên chế thành 3 lớp: A1, A2, A3; loại hình lớp B, biên chế thành 4 lớp: B1, B2, B3, B4… Do quy định số lượng lớp theo từng loại hình, nhà trường yêu cầu học sinh nghiên cứu và dựa vào sức học của mình đề xuất nguyện vọng (1 học sinh có thể ghi 2 đến 3 nguyện vọng), điều đó nhằm dự phòng khi có nhóm học sinh đăng ký quá đông, vượt quá số lượng lớp quy định, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm bộ môn trong học bạ để sắp xếp, nếu không được vào nguyện vọng 1 thì căn cứ điểm để chuyển sang nguyện vọng 2, hoặc nguyện vọng 3...

Không chừng vỡ trận

Một thầy giáo nói với tôi: Trên cũng chỉ là phương án của trường tự đề xuất, đang chờ thể nghiệm, xem thực tế học sinh đăng ký thế nào nữa mới biết. Rồi thầy cười vui vẻ: Theo kế hoạch của trường, trong 3 nhóm theo dự thảo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo là nhóm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và nhóm công nghệ và nghệ thuật thì chỉ thực hiện được 2 nhóm rưỡi, bởi nửa nhóm thứ 3 còn lại là nghệ thuật - âm nhạc và mỹ thuật không thể thực hiện, mà không riêng trường nào, các trường trung học phổ thông hiện nay, với những môn này, đều thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Nói nhà trường xét theo nguyện vọng lựa chọn của học sinh nhưng thật ra là nguyện vọng lựa chọn có định hướng. Cách đề ra phương án lựa chọn môn học cho sinh học như vậy, nếu các trường lớn, số lượng tuyển sinh nhiều thì dễ phân ra các loại hình lớp để đáp ứng phần nào theo nguyện vọng của học sinh. Chứ như trường của em, hàng năm tuyển sinh chừng 7, 8 lớp, dứt khoát không đáp ứng được nguyện vọng lựa chọn môn học đúng nghĩa cho học sinh.

Tôi chia sẻ với thầy, có lẽ đây là tình trạng chung của cả nước. Còn 2 môn nữa trong chương trình khó có trường nào thực hiện được đó là ngoại ngữ 2 và tiếng dân tộc. Mới bước đầu khởi động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới do GS-TS Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên mà đã có những dấu hiệu như thế, không biết kết quả rồi sẽ về đâu!

VÕ NGUYÊN

Related articles
Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng với mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học tập, làm cơ sở để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, kỳ thi cũng là cơ sở để các trường đại học có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.

(0) Comments
Focus
Cảm nhận về “Ươm vào đất chút hương”
“Ươm vào đất chút hương” là tên tập thơ của nhà giáo - nhà thơ Phạm Tường Đại, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản quý II năm 2018. Tập thơ gồm 94 bài, trong đó có 36 bài lục bát. Tập thơ được ra mắt độc giả theo ý nguyện của anh Phạm Hồng Kỳ, con của nhà thơ, sau khi nhà thơ đã qua đời.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự thân vận động