Trồng rau thủy canh - mô hình khởi nghiệp công nghệ cao

23/10/2023, 05:37

Mặc dù đang là một cán bộ xã, công việc khá ổn định với 8 năm kinh nghiệm với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học xã, nhưng chị Huỳnh Thị Hoa Hằng (SN 1983) thôn Hiệp Đức 2, xã Chí Công, huyện Tuy Phong lại tiếp tục thử sức mình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng rau thủy canh và bước đầu đạt được thành công, mang lại hiệu quả cao. Đây là mô hình thử nghiệm trồng rau thủy canh đầu tiên ở huyện Tuy Phong.

Với niềm đam mê và sự năng động vốn có, tháng 10/2022, chị quyết định tham gia mô hình trồng rau thủy canh. Sau khi được Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phong hỗ trợ kỹ thuật và 50% vốn đầu tư ban đầu, tận dụng đất vườn nhà trên 28m2, chị Hằng bắt tay vào thiết kế nhà màng, hệ thống nước, ống thủy canh, hệ thống ươm cây con… với tổng số vốn trên 50 triệu đồng.

rau-thuy-canh-3.jpg

Được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Chí Công, chúng tôi tìm đến vườn rau thủy canh của chị Hoa Hằng. Lúc này, chị Hằng đang cặm cụi bên vườn rau thủy canh của mình, nhìn những giàn rau xanh tốt, non mơn mởn, mát mắt ít ai nghĩ rằng chủ nhân lại là một người phụ nữ với vóc dáng mảnh mai đã ngoài 40 tuổi.

rau-thuy-canh-4.png

Chị Hằng chia sẻ về kỹ thuật trồng rau bằng phương pháp thủy canh là có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau. Tiết kiệm nước do cây sử dụng trực tiếp nước trong dụng cụ đựng dung dịch nên nước không bị thất thoát do ngấm vào đất hoặc bốc hơi. Toàn bộ chất dinh dưỡng đã được pha sẵn vào 1 thùng lớn, tưới nước bằng hệ thống bật tắt tự động rất tiện lợi. Nhờ vậy, giảm chi phí công lao động do không phải làm một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới tạo ra sản phẩm rau an toàn đối với người sử dụng…

rau-thuy-canh-1.png

Hiện tại vườn rau thủy canh của chị Hằng đang trồng các loại cải thìa, bó xôi, rau muống, xà lách, dưa leo… giá bán dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Bước đầu trồng thử nghiệm nên chị chỉ giới thiệu mô hình trồng rau thủy canh trên facebook, zalo cho mọi người biết để mua. Tương lai chị Hằng dự tính mở rộng thêm diện tích, nghiên cứu để trồng nhiều loại rau khác để đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Chị Hoàng Thị Minh Thủy – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chí Công cho biết: Mô hình trồng rau thủy canh của chị Hằng rất hay và mới mẻ. Thời gian tới, Hội sẽ tạo điều kiện giúp chị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ cho chị có kế hoạch thực hiện, đồng thời giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nhân rộng mô hình trồng rau công nghệ cao.

Có thể khẳng định, mô hình trồng rau thủy canh của chị Hoa Hằng là mô hình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao đầu tiên ở Tuy Phong, nhưng đã đạt hiệu quả cao, sản phẩm làm ra an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

KIM ANH

Related articles
Giải ngân vốn đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm
Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn Bình Thuận đến nay nhìn chung đạt tỷ lệ còn thấy, do vậy trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ…

(0) Comments
Focus
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:
Đề nghị xem xét bố trí ga Phan Rí tại huyện Bắc Bình là ga lưỡng dụng
BTO-Sáng nay 13/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận các nội dung: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng rau thủy canh - mô hình khởi nghiệp công nghệ cao