Trẻ chăm con, già chăm cháu

15/11/2024, 05:35

Từng mạnh dạn tuyên bố “Con ai người đó chăm” và chị vạch ra nhiều kế hoạch cho kỳ nghỉ sau khi về hưu của mình. Nhưng bẵng thời gian hơn 2 năm sau mới gặp lại, trông chị già hẳn. Theo sau chị là đứa cháu trai 4 tuổi khá hiếu động, tò mò khám phá thế giới xung quanh.

Sau một lúc trò chuyện mới biết đó là cháu ngoại, con của đứa con gái út. Hiện hai vợ chồng đã ly hôn. Thương con gái tuổi còn trẻ, công việc vất vả ở thành phố nên vợ chồng chị đưa cháu về nuôi để thuận tiện chăm sóc. Trẻ con nào đâu ngồi yên một chỗ, vì thế trong buổi trò chuyện với chúng tôi, thằng bé cứ quấn lấy tay bà ngoại yêu cầu chơi chung, hết trò này tới trò khác, khiến chị thỉnh thoảng phải rời đi.

Ở tuổi nghỉ hưu, lẽ ra được nghỉ ngơi, thư giãn nhưng nhìn chị càng vất vả hơn. “Mẹ cháu một tháng mới về thăm nhà một lần, nên giống như vợ chồng tôi có thêm thằng con trai út vậy”, chị bông đùa.

ong-ba.jpg
Niềm hạnh phúc của người già khi con cháu về thăm. (ảnh minh họa)

Chị cũng thành thật chia sẻ, nhiều lúc có tiếng nói của trẻ con khiến nhà cửa rộn ràng, hạnh phúc. Nhưng nuôi con bây giờ khác với ngày xưa nhiều lắm. Trẻ con giờ được tiếp xúc với công nghệ, đi nhiều nên hiếu động, thông minh hơn. Có những hôm trong người không khỏe, nhưng lỡ hứa từ tuần trước đó cuối tuần bà ngoại sẽ đưa nó đi chơi công viên mà thằng bé nhớ, nhắc miết. Chưa kể độ tuổi này nhìn cái gì cũng muốn khám phá, thắc mắc, với hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi mỗi ngày cần được giải đáp. Những lúc như vậy muốn trả ngay cho mẹ nó, nhưng những lời nói hay cử chỉ mật ngọt của các cháu sau đó lại khiến bà quên đi tất cả. Rồi không đành. Rồi lý do thương con. Và vòng quay mỗi ngày cứ lặp lại như thế.

Không thể phủ nhận, ngoài tình yêu thương, sự chăm sóc và kỳ vọng dành cho cháu, ông bà còn dạy những giá trị đạo đức, cách đối nhân xử thế để làm hành trang cho các cháu bước vào cuộc sống. Ông bà lúc này đóng vai trò như là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là những người đem những tinh hoa của thế hệ đi trước truyền dạy lại cho con cháu giữ gìn và phát huy. Có những gia đình được ông bà dạy cho con cháu nguyên tắc sống, phẩm chất đạo đức làm người, như biết cảm thông, yêu thương, san sẻ, giữ gìn nề nếp, tác phong, kỷ luật tốt. Những điều ấy góp phần tạo mối liên hệ gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Nhưng nếu biến việc trông cháu thành trách nhiệm cho ông bà thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn ngược lại.

Trong không ít trường hợp, con cái hoàn toàn phụ thuộc, phó mặc việc chăm sóc cháu cho ông bà và luôn đặt họ vào thế đã rồi. Ông bà vì yêu thương con cháu nên chấp nhận sống xa nhau. Người ở quê - người lên phố, nhiều khi thời gian tính bằng năm với vài lần “về phép” ngắn ngủi.

Thêm nữa không hẳn là cái khó của việc một người lớn tuổi phải tất tả chạy theo đứa cháu tinh nghịch khám phá thế giới. Càng khó hơn bởi những khác biệt thế hệ, về cách nuôi dạy con cái. Thực tế đã có không ít bất hòa, đặc biệt trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, xuất phát từ việc chăm sóc cháu hoàn toàn khác nhau.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và việc lựa chọn có chăm cháu hay không là tùy điều kiện của mỗi gia đình, nhưng cũng phải ưu tiên để cha mẹ già được nghỉ ngơi. Đừng để việc ông bà không thể phụ giúp chăm sóc cháu trở thành nỗi canh cánh trong lòng họ. Và trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, không có gì hữu hiệu để trở thành bạn của con, hiểu con bằng việc gần gũi chơi cùng con mỗi ngày. Đây cũng sẽ là những ký ức tươi đẹp để mãi về sau, khi nhớ về, con vẫn cảm thấy mình đã có “người bạn lớn” tuyệt vời đến thế.

THỤC ANH

Related articles
“Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận trong thời kỳ mới”
Xây dựng chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết trước mắt và vừa mang tính chiến lược lâu dài.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ chăm con, già chăm cháu