Thách thức với sản phẩm OCOP
Bình Thuận có lợi thế tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gặt hái những kết quả nhất định, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên để sản phẩm OCOP thực sự thành công, bền vững, cần phải vượt qua nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng cao như nhiều sản phẩm tương tự cùng xuất hiện, đòi hỏi sản phẩm phải có sự khác biệt, độc đáo, tạo ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng (NTD). “Các thương hiệu thành công không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn xây dựng nên những câu chuyện hấp dẫn, tạo sự kết nối cảm xúc với NTD. Một số xu hướng thường được sử dụng: NTD ngày càng mong muốn các sản phẩm được cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu sở thích riêng của họ; trải nghiệm khách hàng trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng. Người tiêu dùng muốn được trải nghiệm sản phẩm một cách trọn vẹn, từ khâu sản xuất đến khi sử dụng; ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao, khiến NTD ưu tiên tạo ra giá trị cảm xúc cho sản phẩm. Giá trị cảm xúc không chỉ giúp sản phẩm trở nên khác biệt, mà còn tạo ra sự gắn kết lâu dài giữa sản phẩm và NTD”, TS. Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM cho hay.
Sản phẩm gắn với câu chuyện
Trong diễn biến liên quan, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong lần tham dự Hội chợ Công nghệ thiết bị tỉnh Bình Thuận lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, cho rằng: “Kinh nghiệm phát triển sản phẩm lợi thế ở Hàn Quốc là họ thường gắn câu chuyện liên quan đến sản phẩm để giới thiệu, thu hút khách hàng, cho họ quan tâm, chú ý hơn sản phẩm địa phương, vùng miền. Ở Bình Thuận, các cơ sở, HTX trồng trọt, chế biến sản phẩm OCOP từ trái thanh long, có thể gắn chuyện chong đèn ban đêm vào mùa thanh long trái vụ, cho ra trái quanh năm, tươi ngon. Các ý tưởng mô hình, giải pháp Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bình Thuận lần II có thể xem là những câu chuyện lý thú để các tác giả của giải pháp giới thiệu với khách hàng”.
Có thể kể như chị Lê Thị Lý ở xã Đa Kai, Đức Linh giới thiệu “Trà tạo dáng hoa” không kém phần thi vị. Câu chuyện về người ba của chị bị u đại tràng tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, chị tìm hiểu trà hoa vàng có các dược tính chống o xy hóa rất cao, hãm trà hoa cho ông uống bổ sung, kết quả khả quan, ông vẫn mạnh khỏe. Sản phẩm trà hoa vàng, từ nguồn nguyên liệu vùng rừng 418- 419 Đa Kai, chị bắt tay chế biến sản phẩm “Trà tạo dáng hoa - kết sức khỏe vàng” có tác dụng hỗ trợ, phòng chống bệnh tật. Còn cô chủ Trần Thị Kim Lĩnh, Cơ sở Bảo Long Bình Thuận “Phát huy tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị trái thanh long Bình Thuận” chế biến nước ép lên men tự nhiên 100%, siro, mứt, kẹo, thanh long sấy dẻo; hay câu chuyện “Trà túi lọc dong riềng đỏ” của Nguyễn Trường Hậu (khu phố 11, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) đều tạo cảm xúc cho đông đảo khách hàng mua sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn chạm đến trái tim NTD thông qua các câu chuyện văn hóa, truyền thống độc đáo. Việc tạo dựng những trải nghiệm mua sắm, kết nối cảm xúc NTD là yếu tố then chốt thúc đẩy tiêu thụ, phát triển bền vững. TS. Phan Bảo Giang đề xuất một số giải pháp nhằm gia tăng giá trị cảm xúc cho các sản phẩm OCOP tại Bình Thuận. Theo chuyên gia này, cần nâng cao chất lượng thiết kế mẫu mã, bao bì, tạo ra những trải nghiệm thị giác ấn tượng, độc đáo. Xây dựng các câu chuyện văn hóa, con người địa phương, giúp NTD hiểu rõ hơn sản phẩm, tạo ra kết nối cảm xúc sâu sắc; cải tiến chiến lược xúc tiến của địa phương. “Việc hiểu, tận dụng yếu tố cảm xúc NTD là vô cùng quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP. Bằng cách tạo ra những trải nghiệm mua sắm đáng nhớ, kết nối cảm xúc NTD, các sản phẩm OCOP tại Bình Thuận sẽ có cơ hội thành công hơn”, TS. Phan Bảo Giang chia sẻ.