Thương một bờ vai

04/03/2022, 09:32

Ngày tôi về nhà mùa mưa chỉ mới bắt đầu. Những cơn mưa rả rích kéo dài từ sáng đến tối, từ tối tới sáng hôm sau. Qua cửa kính xe đâu đâu cũng ngập nước mênh mang khắp cánh đồng hai bên đường. Lúc về gần tới nhà tôi thong dong lội bì bõm trong mưa, rồi nghĩ vẩn vơ, chợt thấy nhớ gia đình, nhớ mẹ quá chừng. Và nhớ nhất là cây đòn gánh của mẹ, cây đòn gánh đi dọc tuổi thơ tôi không bao giờ quên được.

Ba tôi kể cây đòn gánh có từ lúc ba mẹ vừa mới cưới nhau. Tận dụng miếng đất trống sau nhà của ông ngoại cho làm của hồi môn, ba trồng rau và nuôi thêm gà vịt để lấy trứng còn mẹ tôi thì dùng cây đòn gánh, gánh từng gánh rau vượt quãng đường dài hơn 2 cây số ra chợ bán. Những năm tháng vất vả ấy cũng là lúc tôi oe oe chào đời và gánh hàng rong của mẹ đã nuôi tôi khôn lớn nên người từ những ngày đó, khó khăn thì nhiều nhưng bù lại gia đình tôi lúc nào cũng hạnh phúc.

doi-cat-mui-ne-phan-thiet-dep-01.jpg

Vậy mà niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu.

Năm tôi 3 tuổi, ba tôi đột ngột qua đời vì bạo bệnh, đôi vai mẹ đã nặng trĩu giờ càng nặng trĩu thêm. Mẹ vừa làm mẹ lại vừa làm ba nhưng chẳng dễ dàng chút nào. 3 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ chưa đủ để tôi biết một ngày của mẹ vất vả ra sao. Hồi đó không rõ tháng năm, tôi đã đôi lần quên đi trong tuổi thơ mình gương mặt của ba mà chỉ nhớ có mẹ bên cạnh vỗ về lo lắng cho tôi. Mẹ ủ ấm cho đứa con gái bé bỏng của mẹ bằng đôi tay chai sần thô ráp những ngày đông giá rét. Mẹ gieo vào tâm hồn tôi tiếng ru ngọt lành mát dịu những ngày hè, tiếng ru của mẹ đôi khi ấm áp đôi khi buồn đến nao lòng rồi bay vào giữa thăm thẳm miền xanh. Ngày nào tôi cũng ngủ ngoan trong tiếng ru của mẹ. Tôi nhìn thấy khuôn mặt mẹ rất gần, có hôm tôi cố với lấy đôi bàn tay nhỏ xíu của mình về phía mẹ, mẹ không nói gì chỉ nắm những ngón tay của tôi, lúc đó tôi cảm nhận được mẹ đang rất hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thương, thương những năm tháng ấy, thương một bờ vai và thương cả cây đòn gánh của mẹ…

Cây đòn gánh ấy không biết bao lần mẹ đã gánh tôi ra chợ, vì mẹ đi bán cả ngày mới về. Lúc đi, một bên là thúng rau, một bên là tôi. Lúc về, một bên là tôi, một bên là thúng gạo. Chỉ cần được ngồi trên thúng của mẹ là tôi khoái chí. Mẹ vừa gánh tôi đi vừa trò chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối đôi khi tôi chẳng hiểu gì, nhưng đó là tất cả thương yêu để tôi luôn nhớ về tuổi thơ bé dại của mình.

Mẹ đã gánh những nghèo khổ, nhọc nhằn, gánh những mơ ước và cả gieo neo sớm hôm đi về. Đường mẹ đi đầy cỏ tranh gai góc để đường tôi đi bằng phẳng êm gót chân son.

“Ráng học giỏi nha con gái. Để sau này không phải khổ như mẹ”. Tôi luôn ghi nhớ ước nguyện của mẹ và cố học cho thật giỏi. Biết chữ rồi tôi về viết lại cho mẹ xem. Mẹ khen tôi viết chữ đẹp. Những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên trên tờ giấy trắng phau tôi giữ lại rất nhiều cho đến tận bây giờ, nó vẫn nằm im một góc cạnh bàn học.

Tôi vẫn còn nhớ đó là một ngày mưa giữa mùa. Vừa tan học tôi đã thấy mẹ ngồi đợi ở trước cổng trường. Chỉ có một cái áo mưa, mẹ mặc cho tôi còn mẹ thì co rúm lại vì lạnh. Mưa rả rích thả từng giọt xuống đất, mưa dầm dề vương lên tóc mẹ ướt nhẹp. Thế mà mẹ vẫn mỉm cười nhìn tôi, nụ cười của mẹ như xối trôi những lấm lem nhọc nhằn cho tôi đến lớp. Khoảng thời gian tôi đi học gắn liền với mưa cũng dài và nhiều kỷ niệm nhưng đều có mẹ bên cạnh. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra mẹ vất vả như nào. Hai đầu cây đòn gánh đã cong lại vì gánh nặng cuộc đời.

Giờ đã đến lúc tôi dùng nó để gánh trên vai những ước mơ, hoài bão, những niềm hy vọng to lớn mà bấy lâu nay tôi vẫn đang ấp ủ… Ngày nhận được bằng tốt nghiệp cấp ba, tôi đem về khoe mẹ. Mẹ không nói gì chỉ nhìn tôi rồi mỉm cười hạnh phúc. Đó cũng là lúc tôi biết mình sắp phải xa mẹ, xa cái xóm nhỏ gắn với vô vàn kỷ niệm này.

Có những nỗi buồn lại hóa thành niềm vui. Có những nỗi đau lại là niềm hạnh phúc. Vì người ta có thể khóc cho nỗi buồn và hạnh phúc nữa kia mà. Nhưng tôi không khóc chỉ ghi nhớ những lời mẹ dặn và nhớ cả cây đòn gánh dựng bên tấm vách. Có lẽ khi tôi trở về, cây đòn gánh đã dài hơn dáng mẹ.

Những mùa mưa Sài Gòn lê thê, ủ dột, không khác quê tôi là mấy. Chiều nay vừa kết thúc khóa học hè, tôi vội ra bến xe về quê nhưng trước khi lên xe tôi gọi cho mẹ, chỉ nói ngắn gọn bấy nhiêu. “Mẹ ơi, cây đòn gánh mẹ hãy giữ lại nhé, chờ con về gánh những kỷ niệm ngày xưa”. Chẳng cần đợi mẹ trả lời, tôi tin, mẹ sẽ hiểu… con gái của mẹ.

PHONG LIN

Related articles
Còn bao nhiêu Dụng Quang Nho trong cộng đồng người Chăm?
Dụng Quang Nho - cái tên đang được dồn dập nhắc tới, là từ khóa được cộng đồng mạng “lùng sục” nhiều nhất trong mấy ngày qua. Đặc biệt, khi thủ lĩnh U23 quốc gia kiêu hãnh cùng đồng đội giương cao cúp vô định Đông Nam Á. Quang Nho sinh ra và lớn lên ở xã thuần Chăm Phan Hòa, huyện Bắc Bình. Liệu ở đây hay rộng hơn là cộng đồng người Chăm chỉ có mỗi một Dụng Quang Nho hay còn nữa, rất nhiều Dụng Quang Nho?

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương một bờ vai