Thủ tướng tại WEF Davos: Việt Nam chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực tăng trưởng mới

19/01/2024, 10:08

Tại sự kiện trong khuôn khổ WEF Davos, Thủ tướng nhấn mạnh để thúc đẩy chuyển đổi, kiến tạo, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính...

Sáng 16/1, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh tại Zurich, Thụy Sỹ, bắt đầu chặng đầu tiên trong chuyến công tác tại châu Âu.

thu-tuong-pham-minh-chinh-phat-bieu-tai-doi-thoai-chinh-sach-viet-nam-dinh-huong-tam-nhin-toan-cau-20240117085143.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu". (Nguồn: TTXVN)

Tại WEF Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, tham dự và phát biểu tại các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2024 như, Tọa đàm thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF; Đối thoại chính sách “Việt Nam - Định hướng tầm nhìn toàn cầu”; Tọa đàm về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam; phiên thảo luận “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN”.

Chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo

Hội nghị WEF Davos 2024 với chủ đề: “Tái thiết lòng tin”, Việt Nam là một trong chín đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại chiến lược quốc gia và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong tám Lãnh đạo quốc gia có phiên đối thoại riêng với WEF. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng đã gặp Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp WEF; dự và phát biểu tại Tọa đàm về kinh nghiệm và mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế của Thụy Sỹ; tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sỹ.

Hội nghị WEF Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; đối đầu cạnh tranh nước lớn gia tăng kéo theo xu thế phân tách, phân mảnh, chính trị hóa, an ninh hóa hợp tác kinh tế; xung đột cục bộ diễn ra ở nhiều nơi; các nước ưu tiên bảo đảm tự chủ chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững. Kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, thuận lợi và thách thức đan xen.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) và các ngành công nghệ tiên tiến tác động sâu sắc đến hoạch định chính sách kinh tế của các nước và doanh nghiệp.

Đối với Việt Nam, vượt qua năm 2023 đầy khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng. Đến hết năm, Việt Nam đã thu hút gần 37 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 23 tỷ USD.

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đất nước đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; chính trị, an ninh, quốc phòng được giữ vững; công tác đối ngoại được triển khai sôi động, thiết thực và hiệu quả, góp phần giữ vững cục diện hòa bình, ổn định, nâng cao uy tín, vị thế đất nước, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Kinh tế vĩ mô và các cân đối khác được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP năm 2023 tiếp tục đà phục hồi tích cực, trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 của châu Á, vào Nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, nhóm ba nước thu hút FDI lớn nhất trong ASEAN trong 10 năm qua.

Những thành công của Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và các chính sách cụ thể mà Chính phủ sẽ triển khai được Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam, trong khuôn khổ WEF với chủ đề “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”.

Điểm nhấn được Thủ tướng nhắc tới là “Không một quốc gia, nền kinh tế nào, nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, có thể phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay.

Để thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính, gồm hoàn thiện thể chế, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, ưu tiên của Việt Nam là phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Về đối ngoại, Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không”; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

Quan điểm nhất quán này tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tái khẳng định khi là diễn giả chính tại phiên Đối thoại “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “Việt Nam đã gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt để biến thù thành bạn, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam trong cân bằng quan hệ với các nước lớn. Dù Việt Nam từng là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất kể từ sau Thế chiến II, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận”.

Trả lời câu hỏi về bí quyết thành công của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam luôn kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh “Việt Nam cũng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là cơ bản, đồng thời có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế”.

Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 là cơ hội để Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trực tiếp truyền tải tới lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia về cam kết mạnh mẽ và giải pháp của Việt Nam về thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế của mình, trong đó bao gồm tiến trình tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26 - đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
Tại tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 17/1, các đại biểu hào hứng tìm hiểu các cơ hội mới về đầu tư tại Việt Nam; về các quy định, chính sách liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng bền vững, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá, những ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay…
Ông Thomas Serva, Giám đốc điều hành Baracoda Group (Pháp), cho biết Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất, với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp. Doanh nghiệp này mong muốn tham gia xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

“Lắng nghe nhịp đập của thế giới”

Trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, chuyến công tác dự hội nghị WEF Davos của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn là cơ hội để Việt Nam “lắng nghe nhịp đập của thế giới”, nắm bắt ý tưởng, tư duy, mô hình phát triển, quản trị và xu thế phát triển, từ đó tận dụng thời cơ, xu thế mới để ứng phó hiệu quả với những thách thức, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại đây, một lần nữa quan điểm “Lợi ích hài hòa, cùng chia sẻ rủi ro” được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật, khẳng định rõ, Việt Nam luôn đồng hành với các nhà đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc này.

Chủ trì Tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan, Thủ tướng cho biết, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 của Việt Nam xác định rõ, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong đó, AI, bán dẫn và công nghiệp ôtô là những ngành quan trọng, vừa có những động lực phát triển cũ cần được làm mới, vừa có những động lực mới cho sự phát triển. Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI, xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.

thu-tuong-pham-minh-chinh-lam-dien-gia-chinh-tai-phien-thao-luan-bai-hoc-tu-asean-trong-khuon-kho-wef-davos-2024-20240118083459.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai, từ trái sang) và các diễn giả tại Phiên thảo luận: "Các bài học từ ASEAN". (Nguồn: TTXVN)

Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn, gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói. Về công nghệ ôtô, phát triển ôtô điện, sử dụng nguyên liệu sạch, phát thải carbon thấp và đầu tư cho giao thông xanh là những vấn đề được quan tâm.

Với AI, Việt Nam sẽ tích cực khai thác lợi thế, nhưng cũng hạn chế tiêu cực của AI, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song song với hoàn thiện chính sách.

Đại diện các tập đoàn lớn đánh giá Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Một số tập đoàn lớn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Amkor, Qualcomm, Infineon, Marvell… Nhiều tập đoàn, đối tác cũng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu, nhấn mạnh cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Việt Nam chủ động nâng cao khả năng thích ứng với sạt lở, hạn hán, thiên tai, triển khai sáng kiến mới về phát triển bền vững.

Đồng tình với những ý kiến của Thủ tướng, lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi, phát triển, tăng trưởng quy mô kinh tế, quy mô thương mại, cũng như quyết tâm chuyển đổi và triển vọng kinh tế Việt Nam.

Các thành viên WEF nhìn nhận Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất tại Hội nghị lần này. Nhiều doanh nghiệp khẳng định hài lòng với các dự án đầu tư tại Việt Nam, ấn tượng với việc Chính phủ có các chính sách, biện pháp quyết liệt để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cũng như luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao.

Các doanh nghiệp đề nghị Việt Nam tiếp tục chia sẻ những vấn đề cần hỗ trợ và tiếp tục duy trì các chính sách mang tính ổn định, dài hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đưa ra lời nhắc rằng, trước các “làn gió ngược”, cộng đồng quốc tế cần “có sự đoàn kết toàn cầu và chủ nghĩa đa phương cũng như cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm”. Nhà lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin phát biểu tại sự kiện lần này vì Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu và xứng đáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận cho những nỗ lực đó.
Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass

Hình mẫu phát triển nhanh và bền vững

Gặp lại Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab, trong không khí thân tình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab trao đổi về những chủ đề lớn của Hội nghị WEF Davos, những thách thức hiện nay, các xu thế phát triển mới và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF.

Đánh giá cao chủ đề "Tái thiết lòng tin", Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là chủ đề thiết thực, phù hợp, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đóng góp vào quá trình củng cố niềm tin, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, truyền cảm hứng cho mọi quốc gia, chung tay vì sự phát triển của nhân loại.

Nhà sáng lập WEF không tiếc lời ca ngợi khi đánh giá Việt Nam không chỉ là "một ngôi sao ở Đông Á mà còn đang trong quá trình chuyển đổi thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới". Việt Nam còn là điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế, nhanh và bền vững.

Không chỉ nhận định, Việt Nam sớm trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng sự tham dự và những chia sẻ sâu sắc, tầm nhìn định hướng chiến lược của Thủ tướng Việt Nam mang đến những thông điệp, giải pháp quan trọng ứng phó với các thách thức, khôi phục niềm tin toàn cầu.

Sau khi rời Hội nghị WEF, Thủ tướng và phu nhân sẽ thăm chính thức Hungary và Romania. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp thủ tướng đầu tiên giữa Việt Nam với Hungary và Romania lần lượt trong bảy và năm năm qua.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là cơ hội để các nước đẩy mạnh hợp tác, nhằm kết nối Việt Nam với khu vực Trung Đông Âu và giữa hai nước với ASEAN. Điều này giúp phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Bộ trưởng Singapore bị buộc tội trong vụ án tham nhũng hiếm gặp
Một bộ trưởng trong nội các Singapore đã bị buộc tội tham nhũng, trong một trường hợp hiếm hoi gây sốc cho một quốc gia vốn tự hào về nền quản trị trong sạch.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng tại WEF Davos: Việt Nam chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực tăng trưởng mới