Thiện Nghiệp: Lợi nhuận từ cây keo thấp, vì đâu?

27/06/2022, 05:17

Với hàng trăm diện tích trồng rừng sản xuất tại xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết), người trồng rừng rưng rưng nước mắt sau nhiều năm đầu tư.

Lãi thấp

Thiện Nghiệp là một xã vùng ven phía đông của thành phố Phan Thiết. Diện tích trồng rừng sản xuất của toàn xã gần 332 ha, với keo lá tràm, keo lai - cây trồng rừng chủ lực ở vùng đồi cát khô cằn “thừa nắng, thiếu nước”. Thời gian qua, cây keo góp phần không nhỏ trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, chống cát bay; mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành sản xuất giấy, chế biến gỗ mang lại nguồn thu cho người nông dân. Năm 2022, diện tích trồng rừng sản xuất giảm hơn 18 ha, do thu hoạch chưa trồng mới lại.

z3520745194421_aa3eacf33eccb9a30fcfd3855ea422d3.jpg

Tuy nhiên, nguồn thu từ trồng rừng sản xuất trong thời gian gần đây không cao, dẫn đến người trồng không có lãi. Trong khi đó, thời gian đầu tư kéo dài 5 - 7 năm mới thu hoạch. Giá bán mỗi ha cây keo 5 - 7 tuổi, dao động từ 25 - 30 triệu đồng/ha, tùy thuộc vào thân cây to hay nhỏ, chất lượng cây xấu hay đẹp. Sau khi trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha, một lợi nhuận không đáng kể. Trong 2 năm đầu khi vừa mới xuống giống, người trồng xen canh trồng dưa lấy hạt, cây đậu, mè, mì, khoai… Từ năm thứ 3 trở đi, cây keo trong giai đoạn sinh trưởng, tạo tán không thể trồng xen canh cây ngắn ngày. Đó là thông tin từ những người trồng keo.

Nếu trồng keo bằng hom giống mua ở khu vực Đồng Nai, cây phát triển tốt trong điều kiện thời tiết có mưa nhiều giai đoạn cây vừa xuống giống đến 3 tuổi, thì sẽ thu hoạch trong vòng 5 năm. Thời tiết không thuận lợi, mất 7 năm mới thu hoạch. Nếu trồng bằng hạt, thì thời gian để cây sinh trưởng, phát triển là 10 năm mới đúng tuổi khai thác. Sau khi khai thác, người trồng phải cải tạo lại đất trồng trong vòng 1 - 2 năm, mới xuống giống keo mới. Ông Lê Tư, người trồng keo ở xã Thiện Nghiệp chia sẻ: “Như tính toán, đầu tư 5 - 7 năm lãi 15 triệu đồng/ha, mỗi năm chưa tới 3 triệu đồng. Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt!”

Đâu là nguyên nhân?

Ông Lê Nguyên Vũ, người trồng keo ở Thiện Nghiệp với diện tích vài chục ha, cho biết: người trồng rừng sản xuất trên vùng đồi cát khô cằn, càng ngày càng gặp khó trong mọi mặt. Vùng đồi cát Thiện Nghiệp vốn dĩ khô hạn, tìm được cây trồng phù hợp không dễ, chỉ có cây keo mới có sự chống chọi. Do sự biến đổi khí hậu, số ngày mưa và lượng mưa đều ít hơn, mạch nước ngầm cũng cạn kiệt. Khi xuống giống gặp thời tiết nắng hạn kéo dài, cây giống chết gần 50 - 70%. Mặt khác, cũng có tình trạng, cây sống được 1 - 2 tuổi thì bị sâu đục thân, phá cây chết hàng loạt, thường xảy ra cây hom giống. Dẫu có cải tạo đất, nhưng đất bị “chai” (bạc màu).

z3520745194804_e7d7daa05eebda13f76ff5c2b54e1ad7.jpg

Thêm vào đó, giá cây giống mua từ Đồng Nai về đến Thiện Nghiệp cộng cả chi phí vận chuyển, là 1.100 đồng/cây, chưa kể các hao hụt khác. Nhìn chung, giá giống tương đối cao. Còn giá bán cây tới tuổi khai thác không có sự gia tăng. Giá 25 - 30 triệu đồng/ha vẫn “đứng yên” trong nhiều năm nay. Theo các thương lái, cây keo trồng ở vùng khô hạn, điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, ít phân bón thì cây chậm lớn, thời gian chờ thu hoạch kéo dài, thân cây không to. Một khi thân cây không đạt, chất lượng không cao, chủ yếu làm nguyên liệu giâm, ắt hẳn giá thành sẽ thấp.

Mặt khác, là hình thức mua bán mão (mua bán xô) - bán cả vườn tồn tại trong nhiều năm. Nghĩa là thương lái dạo 1 vòng trên diện tích cây keo, và ngã giá với người trồng, cứ bao nhiêu diện tích (ha) cây keo thì bấy nhiêu tiền. Sau khi thỏa thuận giá trả tiền đầy đủ, thương lái đưa máy vào cưa và phân loại cây. Nhánh cây phân vào củi, thân nhỏ phân vào nguyên liệu giâm, thân cây nào tốt làm gỗ chế bến sản phẩm nội thất. Người trồng bán thô, bán cả vườn làm sao có lãi; trong khi thương lái bán theo phân loại tính bằng mét khối, cũng là một sự chênh lệch lớn về thu lãi, ông Tư chia sẻ.

Qua thông tin trên cho thấy, cây keo là cây chủ lực trên diện tích đất rừng sản xuất ở xã Thiện Nghiệp. Mặc dù mang lại lợi nhuận không đáng kể, nhưng người trồng chưa biết thay thế bằng loại cây trồng nào phù hợp, mang lại giá trị cao về năng suất, chất lượng cũng như giá thành. Thiết nghĩ, địa phương và các cơ quan liên quan giúp người trồng nghiên cứu lại điều kiện thổ nhưỡng, loại cây trồng lâm nghiệp, chất lượng cây giống, chính sách hỗ trợ, sự liên kết phân loại và bán sản phẩm để việc trồng rừng của người dân mang lại hiệu quả cao hơn trong thu nhập.

TRANG MINH

Related articles
Bắc Bình đôn đốc trồng rừng mùa mưa
BTO- Đến tháng 9, toàn huyện đã trồng rừng được 306 ha rừng, đạt 30,6% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao trồng được 100 ha, Ban Quản lý rừng Lê Hồng Phong trồng được 186 ha và Xí nghiệp Lâm nghiệp Bình Thuận là 20 ha. Hiện đang vào cao điểm trồng rừng, thời tiết mưa nhiều đất ẩm thuận lợi việc xuống giống cây, ngành chức năng huyện Bắc Bình đang đôn đốc các đơn vị, các xã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng và chăm sóc rừng,gieo ươm cây giống đảm bảo trồng rừng đạt kế hoạch.  

(0) Comments
Focus
Phóng viên Báo Bình Thuận đoạt giải cuộc thi “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân”
BTO-Ngày 26/12 tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân” tại Hà Nội.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiện Nghiệp: Lợi nhuận từ cây keo thấp, vì đâu?