Hơn 1 thập kỷ “khát” nước sạch
Trên đoạn đường từ ngã tư Bảy Hải đi kênh N27, cảnh người dân hàng ngày phải đi mua bình nước về sinh hoạt không còn xa lạ. Khu vực này hiện có 21 hộ dân không có nước sạch sinh hoạt. Anh Lưu Quốc Vũ – thôn 1 cho biết: “12 năm nay sinh sống ở khu vực này, để có nước dùng, tôi phải khoan giếng lấy nước ngầm nhưng nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm phân bón, thuốc thanh long, nhiễm phèn nên cũng chỉ dùng cho tắm giặt còn ăn uống thì phải mua bình nước lọc. Trẻ con ở đây do phải tắm nước phèn nên hay bị bệnh ngoài da. Bây giờ, mỗi tháng riêng tiền mua nước bình để nấu ăn gia đình tôi phải chi hơn 300.000 đồng. Chúng tôi mong chính quyền các cấp quan tâm để bà con sớm có nước sạch sử dụng, đảm bảo sức khỏe”.
Chung cảnh ngộ, bà Trần Thị Mười - thôn 5 bức xúc: “Chúng tôi chờ nước sạch hơn 10 năm nay rồi. Cách đây vài trăm mét, ở ngã tư Thành Đạt, người dân được xài nước sạch từ lâu rồi. Còn ở đây, chúng tôi sử dụng nước giếng ô nhiễm phân, thuốc từ cây thanh long để giặt đồ, rửa chén, còn nước dùng nấu ăn hay uống thì phải mua”. Người dân đã nhiều lần phản ánh và đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng xem xét cung cấp nước sạch nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trước tình hình đó, cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Mười, thường trú thôn 3 - xã Hàm Liêm hợp đồng với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bình Thuận thi công lắp đặt trước tuyến ống cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tại thôn 5 với chiều dài 700m đoạn từ ngã tư Bảy Hải đi kênh N27, thôn 5 – xã Hàm Liêm với tổng kinh phí hơn 125,7 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công được khoảng 650m, còn lại khoảng 50m thì bị một số hộ dân dọc đầu tuyến ngăn chặn không cho thi công.
Vì sao dân chưa đồng thuận?
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Liêm cho biết: Khi ông Mười thi công tuyến ống, có một số hộ dân không thống nhất cao với nhiều lý do. Trong đó có ý kiến cho rằng, ông Mười thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước sinh hoạt này chỉ phục vụ riêng cho cá nhân ông nên đã ngăn chặn công trình thi công. Trong khi đó, đất hành lang đường thi công tuyến ống cấp nước do ông Mười triển khai được sự đồng ý của UBND huyện Hàm Thuận Bắc. Từ khó khăn trên, ông Mười đã có đơn tự nguyện xin ủng hộ toàn bộ kinh phí lắp đặt với hơn 125,7 triệu đồng cho UBND xã tiếp tục thi công hoàn thiện và lắp đặt thủy kế cho các hộ dân có nhu cầu. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát nên UBND xã chưa tổ chức họp dân để công bố sự ủng hộ của ông Mười đồng thời hướng dẫn cho hộ dân làm hợp đồng lắp đặt thủy kế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mười cho biết: “Khi thi công tuyến ống nước, bản thân tôi đã cam kết đồng ý cho tất cả các hộ đều được tham gia để có nước sạch sinh hoạt góp phần xây dựng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên có một số hộ dân cách điểm cuối công trình khoảng 20 m ngăn chặn mặc dù công trình lắp đặt ngoài vòng rào của các hộ dân này và thuộc đất của Nhà nước quản lý. Trước tình hình trên, tôi đã xin tự nguyện ủng hộ đường ống nước sinh hoạt cho xã Hàm Liêm quản lý để chỉ đạo thi công sớm có nước sạch cho người dân, đồng thời sau này xã có kế hoạch nối tiếp qua khu dân cư thôn 2 để nhân dân có nước sạch sinh hoạt chung theo tiêu chí nông thôn mới”.
“Qua nhiều lần vận động thì còn có 3 hộ dân chưa thống nhất cao. Vừa qua UBND xã đã có báo cáo cho Đảng ủy xã chỉ đạo phải tiếp tục thành lập tổ vận động để vận động các hộ dân có đất, vật kiến trúc và công trình phụ dọc theo tuyến đường ống nước tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công lắp đặt đường ống nước trong thời gian sớm nhất” - ông Cường cho biết.
Nước sạch đóng vai trò thiết yếu trong đời sống của người dân và là một trong những tiêu chí đánh giá của xã nông thôn mới. Thiết nghĩ, xã Hàm Liêm nên sớm tổ chức một buổi đối thoại với người dân để tìm tiếng nói chung, qua đó, nhanh chóng hoàn thiện tuyến ống cấp nước sạch sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người dân.