Thấy gì ở một dự án nông nghiệp bỏ hoang?

22/11/2023, 05:38

Bất lực với nhiều người xà xẻo, lấn chiếm, người bảo vệ trông coi dự án cũng buông xuôi, cố giữ cho mình được ít diện tích. Đó là thực trạng diễn ra ở Dự án đầu tư trồng và chế biến dưa leo xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Kim Sơn tại xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, bỏ hoang lãng phí tài nguyên đất gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm qua.

20231030_145224.jpg
Dự án đầu tư trồng và chế biến dưa leo xuất khẩu của Công ty TNHH Kim Sơn bị lấn chiếm.

Bất động

Cách đây hơn 20 năm vùng đất Suối Nga, theo tên gọi địa phương ở thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam là vùng nguyên liệu mía phục vụ cho Công ty Đường Bình Thuận thuộc Tổng Công ty Mía đường II. Năm 2006, vùng nguyên liệu ấy chuyển giao cho Dự án đầu tư trồng và chế biến dưa leo xuất khẩu của Công ty TNHH Kim Sơn có trụ sở ở quận 5, Tp.HCM. Theo văn bản số 4706 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành tháng 11/2006 gửi Kim Sơn, Bình Thuận chấp nhận cho công ty đầu tư với diện tích hơn 126 ha. Sau đó vào tháng 4/2008, UBND tỉnh thu hồi lại cho Kim Sơn thuê 61,2 ha để thực hiện dự án, phần còn lại do vướng chưa thu hồi đất của các hộ dân.

Khi nhận diện tích đất trên, Kim Sơn tiến hành san ủi làm đất trồng dưa leo như đã ký kết. Tuy nhiên, theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, qua 4 năm triển khai, Kim Sơn thực hiện không đúng với mục tiêu của dự án là trồng dưa leo mà lại trồng cây ngắn ngày gồm mì, khổ qua... để gọi là có tác động trên đất. Năm 2011 – 2015, Kim Sơn xin chuyển đổi mục đích dự án sang trồng các loại cây đậu, bắp, khổ qua, rồi đào ao, xây dựng 1 nhà cấp 4 cho công nhân, bảo vệ trông coi dự án ở và làm việc. Nhưng chỉ hoạt động trên diện tích khoảng 40 ha, phần còn lại bị người dân lấn chiếm, tranh chấp.

Từ đó đến nay dự án nằm bất động, bỏ hoang với chỉ một người bảo vệ trông coi. Cả dự án như một thảo nguyên xanh giữa bốn bên là núi đồi, kênh, suối, tạo điều kiện cho người dân lấn chiếm.

20231030_153214.jpg
Ông G đưa ra giá bán diện tích đất trồng thanh long, cạnh căn nhà cấp 4 mà Kim Sơn xây để trông coi dự án với giá 1 tỷ đồng.

Bảo vệ dự án cũng... chiếm đất?

Vốn đã bị lấn chiếm chưa được giải quyết, nay lại bị xà xẻo, lấn chiếm thêm khi dự án lâu không hoạt động. Ông VG, người bảo vệ trông coi dự án cho biết: “Nhiều năm qua công ty không trả lương cho tôi, “bỏ tôi một mình ở đây”. Tôi tìm cách liên hệ với họ để báo cáo về việc bị người dân vào lấn chiếm đất nhưng không được. Có thể công ty bỏ luôn dự án này rồi, một mình tôi không thể quản lý nổi việc người ta xà xẻo, lấn chiếm”, ông G giãi bày thêm khi đang chăm sóc ruộng dưa của mình trên đất dự án.

20231030_153218.jpg
Ông G trồng thanh long trên đất của dự án rao bán 1 tỷ đồng.

Nhìn từ bên ngoài vào dự án người ta tưởng là đất của dân chứ không phải đất dự án. Chỗ nào cũng thấy lấn chiếm, một số hộ dân đã lấn chiếm nay tiếp tục xà xẻo, xây dựng nhà ở, trồng thanh long, mua bán sang nhượng. “Tôi ngăn chặn người dân lấn chiếm thì họ phản ứng lại nói rằng, đất dự án không phải đất của ông nên không có quyền cấm cản”, ông G chia sẻ.

Trước thực trạng, cùng với không thể liên hệ với công ty, ông G gia nhập vào “đội quân lấn chiếm”. Ông cố giữ cho mình một diện tích nhất định rồi trồng dưa, thanh long, trên danh nghĩa giữ đất cho công ty, nhưng thực chất ông xem đây là đất của mình, nên có thể bán cho bất cứ ai cần đất. “Đám thanh long giáp bờ kênh là hơn 1 ha đã trồng hơn 1.000 trụ, với giá 1 tỷ đồng, chị mua tôi bán. Nếu mua thì viết giấy tay, ở đây ai cũng vậy, đất công ty họ bỏ rồi, không ai có sổ”, ông G đưa ra giá bán với chúng tôi, những người trong vai mua đất.

Kiến nghị thu hồi

Từ thực tế trên, người dân Hàm Thạnh kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri những năm qua. Nguyện vọng của họ là ngành chức năng rà soát lại toàn bộ dự án… nếu hoạt động không hiệu quả thì thu hồi. Đồng thời, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, giao cho dự án khác đầu tư hoặc nếu không thì cấp đất cho dân tránh lãng phí tài nguyên đất.

UBND xã Hàm Thạnh đã nhiều lần kiến nghị với huyện Hàm Thuận Nam, UBND tỉnh cũng như ngành chức năng quan tâm xử lý việc không hoạt động của dự án... Tuy nhiên, cho đến nay chưa được giải quyết, khiến tình trạng xà xẻo, lấn chiếm đất ở dự án càng trở nên trầm trọng hơn. Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Thạnh - Phạm Văn Phương cho biết: Dự án trồng dưa leo của Kim Sơn đã triển khai khá lâu, nhưng không thấy chủ đầu tư dự án hoạt động. Họ cũng chưa khi nào tới xã làm việc, nên không biết cách nào liên lạc với họ. Hiện dự án đã và đang gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý… UBND xã đã kiến nghị với huyện và các ngành chức năng, tác động chủ đầu tư triển khai dự án mang lại hiệu quả, còn không thì thu hồi chuyển giao cho dự án khác, giảm bớt gánh nặng cho địa phương.

Theo báo cáo kết quả rà soát việc sử dụng đất của người dân xã Hàm Thạnh có liên quan đến dự án trồng dưa leo của Kim Sơn cách đây gần 5 năm, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai thực hiện các bước, kiểm tra, nhận xét, kiến nghị về dự án, song cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án đầu tư trồng và chế biến dưa leo xuất khẩu của Kim Sơn, UBND tỉnh chưa thu hồi. Huyện Hàm Thuận Nam đã thành lập tổ kiểm tra tình hình sử dụng đất của dự án và đã mời các hộ dân đang sử dụng đất trong dự án làm việc và đề nghị ngừng tác động.

Đó là những gì chúng tôi thấy và ghi nhận ở một trong những dự án nông nghiệp bỏ hoang, tiếc rằng không thể liên hệ được với chủ đầu tư dự án để nghe thêm thông tin từ phía họ. Song, thực tế dự án này không mang lại hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất đai, bức xúc trong nhân dân nhiều năm qua là có, do đó cần các ngành chức năng quan tâm xem xét.

Theo Văn bản 4706/UBND-KT của UBND tỉnh ngày 1/11/2006 gửi Công ty TNHH Kim Sơn về việc chấp nhận Dự án đầu tư trồng và chế biến dưa leo xuất khẩu, trong 12 tháng kể từ ngày có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, chủ đầu tư phải triển khai thực hiện dự án. Quá thời hạn quy định trên, chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án mà không có lý do chính đáng thì văn bản chấp nhận đầu tư không còn hiệu lực.

NINH CHINH

Related articles
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận 2 dự án luật và báo cáo của Chính phủ
BTO-Chiều ngày 10/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận tiến hành thảo luận tại tổ 15 về 2 dự án luật và báo cáo của Chính phủ gồm: Dự án Luật lưu trữ ( sửa đổi); Dự án Luật Thủ đô ( sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì ở một dự án nông nghiệp bỏ hoang?