Tham gia thảo luận tại tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất với mục tiêu xây dựng Luật đồng thời đánh giá cao các chính sách trong cải cách BHXH tại dự thảo Luật.
Theo đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung với nhiều quyền lợi đối với người lao động, đặc biệt là quy định mở rộng các nhóm đối tượng tham gia, bổ sung quyền lợi thụ hưởng chính sách theo quy định trợ cấp hưu trí xã hội và liên kết tầng hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản. Mặt khác, việc bổ sung quyền lợi thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước là bảo đảm, cũng như giảm số năm đóng tối thiểu được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và một số nội dung khác tại báo cáo thẩm tra và tờ trình của Chính phủ đã nêu.
Đóng góp ý kiến vào Điều 4 về giải thích từ ngữ. Cụ thể, tại dự thảo Luật, khoản 1, Điều 8 có nêu quy định về hành vi nghiêm cấm đó là chiếm dụng tiền hưởng BHXH. Tuy nhiên tại Điều 4 chưa giải thích cụ thể hành vi nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng BHXH là như thế nào, có trốn đóng hay chậm đóng không? Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung này.
Liên quan đến Điều 5 - Về chế độ bảo hiểm xã hội, theo đại biểu, BHXH cơ bản là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH bắt buộc là các chế độ như hưu trí, còn tự túc là tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp, dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm, đó là một chế độ của BHXH bắt buộc, được quy định tại khoản 2, điều 5 của dự thảo Luật này. Đồng thời đề nghị bổ sung Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như một quỹ thành phần của BHXH quy định tại Điều 116 của dự thảo Luật.
Đối với Điều 10 về trách nhiệm của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản đó là đối với người nhận lương hưu được cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng định kỳ 6 tháng hoặc là một năm cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH về nơi cư trú. Mặc dù hiện nay, chúng ta đã áp dụng công nghệ thông tin; người hưu trí và các đối tượng trợ cấp xã hội khác có thể nhận qua tài khoản ngân hàng nhưng theo phản ánh của cơ quan BHXH nhiều khi không biết người thụ hưởng ở chỗ nào. Do vậy, đại biểu đề nghị là người được thụ hưởng phải định kỳ cung cấp thông tin chỗ ở, nơi lưu trú cho cơ quan BHXH được biết.
Liên quan đến Điều 37 về xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì tại khoản 5 của dự thảo có quy định là người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật hình sự thì cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị ngoài cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố, nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan khác có thẩm quyền nếu phát hiện có dấu hiệu này cũng phải kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý hình sự đối với hành vi này...