Tết về trăm nỗi lo toan…

21/01/2022, 06:34

BT- Tết – mới kêu lên thôi đã thấy nô nức trong lòng rồi. Ai chẳng mong tết, từ đứa trẻ con đến cụ già tóc bạc lưng cong. Trẻ con mong tết trong niềm vui sẽ được hưởng những ngày đi chơi vui vẻ, được mặc quần áo mới, nhận phong bao lì xì đỏ tươi.

Cụ già mong tết không phải vì chờ mong tấm áo mới, phong bao lì xì hay món ăn ngon mà là mong chờ con cháu tề tựu đông đủ, mong không khí đầm ấm của những bữa cơm tất niên sum họp cuối năm. Còn những người lưng lửng tuổi thì mỗi khi tết về ngoài niềm vui còn lắm nỗi lo toan, mà hình như mỗi năm thêm một nỗi lo mới chồng thêm vào thì phải.

nht-6.jpg

Lo đầu tiên là tiền bạc. Nỗi lo này xưa như trái đất rồi, năm nào cũng như năm ấy không đổi khác mấy. Hễ mỗi khi tết về là vật giá leo thang, kéo theo chi phí sinh hoạt tăng, đồng lương làm ra phải dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu. Rồi thì tiền vé xe vé tàu về quê, cả nhà cũng tốn kha khá cho hai bận đi – về. Tiếp đến là tiền biếu ông bà nội, ngoại hai bên ăn tết, tiền quà biếu những chỗ ơn nghĩa, tiền sắm sửa quần áo mới… Thôi thì trăm vạn thứ phải cần đến tiền, kể cả ngày cũng không hết được.

Xong khoản tiền bạc thì tới lo sức khỏe. Tình hình dịch bệnh đâu đã bớt “nóng” khi xuất hiện biến chủng mới, ai cũng ngay ngáy lo. Nhiều người xa quê than thở không biết có nên về quê không vì về sẽ bị cách ly hai tuần, thế còn gì tết nhất. Dư luận mấy ngày nay đang xôn xao chuyện tỉnh nọ làm căng đến độ đóng khóa cổng những gia đình có người về từ thành phố khiến người dân sống dở chết dở. Cô bạn xa quê than thở dù có nhớ nhà cũng không dám về, ở quê đang làm căng để dập dịch, người từ thành phố về là gia đình phải đóng cửa cách ly, thế thì về làm chi kéo cả gia đình khổ theo mình. Thiệt chớ, như bản thân tôi, lấy chồng xa cả năm bận rộn công việc, gia đình chỉ mong tết được nghỉ dài ngày về quê sum họp gia đình, vậy mà hai năm nay không dám về vì sợ mình di chuyển xe cộ lung tung mắc công mang dịch bệnh về nhà lây cho cả nhà, ba mẹ thì già yếu nhiều bệnh nền, có chuyện gì ân hận cả đời. Nên nhớ thì nhớ, thương thì thương tôi vẫn báo cha mẹ không về, dù ai chê cười cũng vậy, phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh.

Tết nay thì cộng thêm nỗi lo mới: lo chuyện học hành của con cái. Không lo sao được, từ đầu năm học đến nay học online, con tiếp thu được bao nhiêu phần trăm còn chưa biết thì thi học kỳ. Ờ, có học phải có thi, mấy năm thi trước tết, tổng kết học kỳ I rồi mới cho nghỉ tết, năm nay thì khác, do khối tiểu học học chậm hơn nên lịch thi dời qua tết, thế là phụ huynh thêm nỗi lo nữa là: sợ con trả chữ cho thầy.

Cô em nhắn tin than thở đang rầu quá chừng vì nghe tin tiểu học qua tết mới thi, chẳng còn tâm trạng đâu mà tết với nhứt nữa. Chả là em có con học lớp 1, cô giáo tổ chức học online ban đêm được hai tháng nay, mẹ phải dành thời gian tối nào cũng kèm con học. Chương trình thì nặng, con lại thuộc thành phần tiếp thu chậm trong lớp, mỗi tối đều phải “tra tấn” ép con học hai tiếng đồng hồ với cô, rồi viết bài, làm toán đến 10 giờ đêm mới được ngủ. Vậy mà giờ qua tết mới thi, nghỉ cả nửa tháng thì trong cái đầu bé xinh kia biết còn nhớ mặt 24 chữ cái không chứ đừng nói ráp vần đọc bài hay làm toán. Thế là cô em thay vì lên kế hoạch đi chúc tết như mọi năm thì nay lên kế hoạch ôn tập cho con. Mẹ áp lực, con căng thẳng, tối nào cũng như có chiến tranh, rần rộ hết nhà.

Đâu chỉ con học tiểu học ba mẹ mới khóc dở, phụ huynh mà có con học cuối cấp cũng đang đứng ngồi không yên. Phần thì lo con thi cử phần thì lo nhiễm Covid-19 vì lớp 9 và lớp 12 tổ chức thi trực tiếp. Dù con đã được tiêm vắc xin thì vẫn không thể an tâm được. Thành ra con đi thi mà nỗi lo cứ lơ lửng bay trên đầu cha mẹ.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi nghề lại một nỗi lo toan khác nhau. Ra chợ, mấy cô mấy chị bán hàng toàn than tết nhứt mà chợ vắng hoe, người bán nhiều hơn người mua, đã vậy hàng lại tăng giá, lấy vào thì cao mà bán ra không dám tăng vì sợ mất khách. Mọi năm các cửa hàng tạp hóa giờ này đã bày đủ loại cộ đơm tết, bánh kẹo các loại rất bắt mắt. Năm nay chỉ bày lèo tèo vài món, hỏi ra mới biết họ không dám lấy hàng nhiều sợ sức mua thấp, hàng tồn nhiều bán không kịp hết đát thì lỗ vốn. Đúng là khổ. Nhưng dù sao buôn bán cũng đỡ hơn nông dân. Người nông dân năm nay khổ chưa từng thấy. Hàng không thể xuất đi được, giá nông sản rớt thê thảm, có nơi thương lái ngưng thu mua, nông sản đổ bỏ từng đống. Mấy bữa nay nghe nói thông quan trở lại, giá bắt đầu nhích lên chút ít. Những nhà làm thanh long ăn hàng tết đang thắt thỏm lo không biết khi vườn thanh long nhà mình chín thì có được giá không hay lại đóng cửa không xuất được thì nguy. Đầu tư cao, tốn công chăm sóc mà nguy cơ thu về chẳng bao nhiêu phải ôm nợ. Đó là lý do tại sao năm nay đa số nông dân bỏ phế thanh long, chẳng thèm chăm bón để dây tóp teo thấy thương, nhiều nhà còn nhổ trụ để đất hoang.

Đi ngang những cánh đồng bạt ngàn nhưng chỉ một màu cỏ úa, lòng chợt rưng rưng một nỗi buồn. Trên mảnh đất này ngày trước xanh màu lúa, mướt tàu thanh long, nay chỉ một màu tàn tạ, xác xơ. Con đường này mọi năm giờ này tưng bừng nhạc tết giờ im lặng buồn hiu. Ngó lên trời, vẫn một màu xanh thẳm của mùa xuân. Ừ phải, xuân đã về, tết sắp tới, muốn hay không cũng không thể thay đổi được. Chỉ thầm cầu mong tết này mọi gia đình đều an yên, vui vẻ như mọi năm…

PHAN NGÂN

Related articles
Chút hương xuân
BT- Những ngày này, thành phố Phan Thiết đã rộn ràng không khí của những hoạt động chuẩn bị để đón tết. Ở các ngả đường, người người đi lại đông hơn, bận rộn hơn, hối hả hơn.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết về trăm nỗi lo toan…