Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng điện

14/03/2023, 05:19

Với nhiều thuận lợi trong phát triển năng lượng điện, thời gian qua Bình Thuận đã và đang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mà địa phương sở hữu…

Số liệu tổng hợp cho thấy trên địa bàn toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất lắp đặt 6.523,21 MW, gồm: Nhiệt điện (4 nhà máy), thủy điện (7 nhà máy), điện mặt trời (26 dự án), điện gió (9 dự án) và 1 nhà máy điện diesel (tại huyện đảo Phú Quý). Với sản lượng điện thiết kế của các nhà máy đang hoạt động phát điện cùng với hệ thống lưới điện đã đầu tư nâng cấp, Bình Thuận có thể cung ứng hơn 31 tỷ kWh/năm. Qua đó không những đảm bảo nguồn điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh mà còn cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và an ninh năng lượng quốc gia.

dien-8.png
Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các nguồn điện, nhất là về năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa từ internet).

Tuy nhiên, bên cạnh điều kiện thuận lợi thì địa phương cũng gặp một số mặt tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát huy lợi thế trong phát triển năng lượng điện, nhất là trên lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này được ghi nhận qua các buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn Bình Thuận mà Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xúc tiến trong tháng 3/2023… Thông qua đó phát hiện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn vừa qua được đánh giá có những chuyển biến tích cực, nhưng quá trình thực hiện đầu tư vẫn còn mặt tồn tại, hạn chế. Như giá mua điện gió thời điểm năm 2018 trở về trước (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam) là 7,8 UScents/kWh, nên việc triển khai các dự án điện gió chưa được như kỳ vọng. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về sửa đổi, bổ sung một số điều của giá mua điện gió trên đất liền nâng lên 8,5 UScents/kWh, vì vậy cơ bản đã đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Thế nhưng cơ chế giá này chỉ áp dụng đến ngày 31/10/2021 và hiện nay chưa có cơ chế, giá mua điện mới sau ngày 1/11/2021 khiến nhà đầu tư điện gió gặp khó. Trong khi đó việc đền bù giải tỏa cũng không dễ dàng, nhất là với dự án điện gió do các hộ dân không đồng tình việc nhà đầu tư chỉ đền bù, giải tỏa, thu hồi đất ở khu vực diện tích chiếm đất có thời hạn (như móng trụ, đường giao thông, trạm điện, đường dây tải điện...) mà yêu cầu đền bù toàn bộ khu đất. Thêm nữa, hiện nay khả năng giải phóng công suất các dự án điện năng lượng tái tạo lên lưới điện chưa đáp ứng nhu cầu, một số đoạn đường dây 110 kV quá tải và không giải tỏa hết công suất của dự án.

Đối với công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đại diện Công ty Điện lực Bình Thuận cũng nêu một số khó khăn, tồn tại ở giai đoạn vừa qua. Cụ thể trong đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình điện xảy ra trường hợp người dân yêu cầu đền bù đất, hỗ trợ hoa màu với giá cao so với phương án được duyệt và không đồng thuận giao mặt bằng thi công. Do vậy làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và đóng điện các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay việc thực hiện các công trình 110 kV cũng có sự chồng lấn quy hoạch tài nguyên khoáng sản (titan, đất sét), quy hoạch sử dụng rừng, quy hoạch đất rừng, đất lúa dẫn đến tiến độ triển khai kéo dài, mất rất nhiều thời gian để giải quyết vướng mắc do chồng lấn quy hoạch…

Từ thực tế tại địa phương, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đã kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng vào thời gian tới. Nhất là quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch gắn với phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành này... Được như vậy sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Thuận tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để hướng đến trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

QUỐC TÍN

Related articles
Tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh
UBND tỉnh vừa có công văn đến các sở ngành liên quan và địa phương trong tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng điện