Liên kết theo chuỗi
Với mục tiêu rõ ràng, kế hoạch cụ thể, thời gian qua huyện Tánh Linh tập trung hoàn thiện quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất. Huyện tiếp tục duy trì ổn định diện tích trên 11.000 ha đất trồng lúa, sản lượng lương thực hàng năm đạt 165.000 tấn; tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực chính (lúa gạo, cao su và điều). Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, rà soát và củng cố HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để làm cầu nối liên kết với các công ty và doanh nghiệp.
Tính đến nay, tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn huyện là 2.755 ha, tăng gấp 2,2 lần so với đầu nhiệm kỳ (trong đó cây lúa 2.700 ha; cây đậu 45 ha, rau các loại 10 ha). Diện tích cánh đồng lớn được mở rộng, đến nay đạt 2.580 ha (dự kiến đến năm 2025 khoảng 3.600 ha); thực hiện vùng lúa chất lượng cao đạt gần 1.800 ha, chiếm 70% diện tích cánh đồng lớn. Ngoài ra, có trên 2.700 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi... nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đến nay, hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, thị trấn, thôn, bản được thông suốt; đường giao thông nội đồng đã cứng hóa được 181/209 km (đạt 87%), phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho nhân dân và phát triển kinh tế cho huyện nhà. Ngoài ra, huyện rất chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến. Thời gian qua, huyện đã tăng cường hợp tác với Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long trong thực hiện “mô hình khảo nghiệm các giống lúa triển vọng giai đoạn 2021 - 2025”. Đến nay, huyện đã triển khai sản xuất trên 200 ha lúa xác nhận, giúp nông dân địa phương tiếp cận nguồn lúa giống có chất lượng, giá bán thấp hơn thị trường và nắm bắt được kỹ thuật sản xuất.
Chuyển biến mạnh mẽ
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đầu năm 2023, huyện Tánh Linh thu hút được Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Tập đoàn đã thuê lại Nhà máy xay xát Thái Bình Thịnh tại xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh với công suất sấy 80 tấn/ngày đêm; xay xát 50 tấn/ngày đêm và diện tích đất 14 ha để sản xuất lúa giống. Thực hiện tại địa phương, tập đoàn đã tổ chức liên kết với các hộ dân thông qua HTX, Tổ hợp tác với diện tích khoảng 85 ha lúa vụ mùa năm 2023 với 73 hộ (trong đó có 12 ha/12 hộ là ĐBDTTS), theo hình thức “4 nhà” và cam kết thu mua 100% sản phẩm với giá cả có lợi nhất. Quy trình sản xuất hữu cơ, quản lý nghiêm ngặt dư lượng phân, thuốc theo tỷ lệ quy định của nước xuất khẩu. Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo phối hợp thực hiện mở rộng liên kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 lên khoảng 200 ha. Ngoài ra, huyện đang phối hợp khảo sát liên kết trồng cây ăn trái với diện tích 50 ha tại địa bàn xã Gia Huynh.
Song song đó, huyện đã tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI (tiết kiệm nước), VietGAP… với diện tích từ 260 - 300 ha mang lại hiệu quả cao. Triển khai các dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đến nay, huyện đang thực hiện 2 dự án (Dự án của Công ty Đại Nhật Phát và của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình) liên kết với diện tích 300 ha/năm, giúp cho các hộ nông dân, xã viên HTX có điều kiện tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, mời gọi doanh nghiệp mở rộng liên kết trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh thế mạnh là vựa lúa lớn của tỉnh, huyện còn thực hiện mô hình trồng thâm canh vườn điều ghép giống mới hình thành vùng liên kết tiêu thụ sản phẩm sử dụng nhãn hiệu “Hạt điều Tánh Linh” tại xã Suối Kiết trong 2 năm (2021 và 2022), với quy mô 20 ha/12 hộ với giống điều ghép AB 05-08, tổng kinh phí thực hiện trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất áp dụng công nghệ cao như trồng tre lấy măng, trồng sầu riêng, nuôi cá chình, nuôi dê…
Đến nay, trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao. Phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ công nhận mới ít nhất từ 15 - 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 trở lên (trong đó 2 - 3 sản phẩm đạt 4 sao).