Những năm gần đây, công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP trên địa bàn thành phố được các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đa phần, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đều tuân thủ quy định của pháp luật trên lĩnh vực này, người dân cũng thận trọng hơn trong việc mua bán, bảo quản, chế biến thực phẩm. Nhờ vậy đã hạn chế đáng kể các vụ ngộ độc thực phẩm, song tình trạng vi phạm và ngộ độc vẫn xảy ra. Điển hình, tháng 3/2021, một gia đình gồm 5 người ở khu Văn Thánh 3, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết phải nhập viện tại Bệnh viện An Phước vì có triệu chứng tê lưỡi, tê môi, tê tay, chân… Được biết, gia đình này trước khi nhập viện có ăn ốc biển nhưng chính họ không rõ đó là ốc gì. Đau lòng hơn, vào tháng 2/2020, 3 người đàn ông trên địa bàn phường Đức Long (TP. Phan Thiết) cùng bị tử vong (nghi do ngộ độc rượu) sau triệu chứng đau đầu, khó thở, nôn ói. Bởi trước đó cả 3 người đều mua rượu ở cùng một tiệm tạp hóa về uống. Tháng 3/2019, 46 người phải đến các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và Phan Thiết để điều trị trong tình trạng buồn nôn, dị ứng mẩn đỏ... Những người này dự tiệc ở 2 đám cưới khác nhau tại Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc, nhưng cùng một cơ sở tổ chức tiệc cưới, cung cấp dịch vụ nấu ăn ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết.
Theo quan sát của chúng tôi, đến thời điểm này vẫn còn một số cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là những cá nhân bán thức ăn đường phố ở Phan Thiết và một bộ phận người dân chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Tình trạng bày bán đồ ăn dưới lòng lề đường đầy khói, bụi, ruồi, vi khuẩn vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao. Được biết, để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP TP. Phan Thiết vừa triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2022.
Trên cơ sở đó, ngành chức năng của thành phố sẽ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn, kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và kiểm soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, kẹo, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, thủy sản, sản phẩm thủy sản, phụ gia thực phẩm.
Các hoạt động hậu kiểm sẽ được thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các phường, xã cũng sẽ kiểm tra việc nhập khẩu và lưu thông thực phẩm trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm. Tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát, xử lý thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng...