Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng giáp ranh

08/03/2022, 05:46

Vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận với Ninh Thuận và Lâm Đồng theo chiều dài địa giới hành chính khoảng hơn 250 km. Khu vực giáp ranh có địa hình núi cao, hiểm trở, chia cắt. Tài nguyên rừng ở vùng giáp ranh còn khá phong phú nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao như giáng hương, cẩm lai, căm xe, dầu, sao… Với đặc điểm nêu trên, trong thời gian qua rừng giáp ranh luôn “nóng” vì vấn nạn "lâm tặc".

rung.jpg
Lực lượng kiểm lâm tuần tra kiểm soát vùng rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng.

Trước tình trạng đó, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và chính quyền cấp huyện có vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thực hiện việc trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, về đối tượng, công cụ, thủ đoạn hoạt động của "lâm tặc" để có biện pháp kiểm tra, truy quét, ngăn chặn. Phối hợp lực lượng tại chỗ gồm kiểm lâm địa bàn, lực lượng bảo vệ của chủ rừng và lực lượng tại địa phương chủ động tổ chức tuần tra, truy quét. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chống phá rừng mỗi tỉnh được quyền truy đuổi, bắt giữ đối tượng bỏ chạy về phía địa bàn tỉnh bạn. Từ sự trao đổi thông tin qua lại giữa lực lượng chức năng 3 tỉnh, nhiều vụ khai thác lâm sản trái phép đã được bắt giữ.

Tại khu vực rừng giáp ranh thuộc huyện Bắc Bình, trong 6 tháng đầu năm 2021 (nhất là trong quý I/2021) tình hình khai thác, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật diễn ra phức tạp trên lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Cà Giây, Sông Mao. Với quyết tâm giải quyết để ổn định tình hình, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động, Hạt Kiểm lâm Bắc Bình tăng cường phối hợp với chủ rừng thường xuyên triển khai nhiệm vụ chống phá rừng tại vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với huyện Đức Trọng - Lâm Đồng. Trong đó chủ động phối hợp với Công an huyện Bắc Bình và UBND các xã liên quan, Trung đoàn bộ binh 994 của tỉnh Lâm Đồng thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Kết quả đã trục xuất một số xe máy độ chế vào rừng, đốt hủy 1 xe hoán cải tại rừng, phá hủy 36 xe máy độ chế, 2 máy tời gỗ, 2 cưa máy đồng thời bàn giao Công an huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng xử lý 3,8 m3 gỗ các loại. Từ sự quyết tâm đó, trong 6 tháng cuối năm 2021, tình hình phá rừng ở khu vực này đã có chuyển biến giảm. Nhưng theo đánh giá của lực lượng kiểm lâm, tình hình phá rừng tại khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn.

Khi bước vào mùa khô năm 2022 và giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động – Phòng cháy chữa cháy rừng tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm đã chủ động ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm tra khu vực giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với huyện Di Linh, huyện Đức Trọng – tỉnh Lâm Đồng và địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Qua kiểm tra cho thấy, các Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng đã chủ động và thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; công tác phối hợp giữa lực lượng thuộc Trạm bảo vệ rừng liên huyện có sự phân công cho lực lượng phía Lâm Đồng theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện và thông báo cho Trạm để ngăn chặn, trục xuất các xe hoán cải, xe máy cày, xe độ chế khi vào lâm phần Bình Thuận, nên mang lại hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Đi ngược chiều, một thanh niên bị xe mô tô tông tử vong
BTO - Khi anh V ngã xuống đường thì bị xe mô tô khác tông tử vong.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng giáp ranh