Tại Thắng Hải, Công ty Alibaba: Rao bán đất nền trên đất nông nghiệp

27/06/2019, 08:53

BT- Tổng diện tích mà ông Nguyễn Thái Lĩnh gom mua từ 3 người dân hơn 25 ha với hiện trạng là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. 

Bán đất nền sau 10 ngày mua đất nông nghiệp

Theo những người dân tại xã Thắng Hải (Hàm Tân), ngày 14/6 trên địa bàn xã xuất hiện nhiều xe chở khách từ các nơi đổ về bất ngờ khiến ai cũng ngơ ngác. Khi thấy nhiều người đi vào vùng rừng keo lá tràm thuộc thôn Suối Tứ, người dân ở đây nghĩ là các tour du lịch tham quan rừng trồng. Chính quyền xã Thắng Hải cũng cho lực lượng đến tìm hiểu, theo dõi và tuyên truyền không được chặt phá cây rừng. Vài ngày sau, qua báo chí, nhiều người mới hiểu tường tận là ngày hôm ấy, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã tổ chức cho những khách hàng muốn mua đất nền đi tham quan “dự án Alibaba Newtimes City Thắng Hải”. Không biết những khách hàng trên khi đến nhìn khu đất cát trắng toàn keo lá tràm này thì có ngờ ngợ gì về dự án mà Công ty Alibaba phác họa là đẹp lung linh như một Singapore thu nhỏ tại Bình Thuận và thu tiền hàng trăm triệu đồng/nền không. Nhưng với một số hộ dân ở đây thì họ biết vùng đất trồng keo lá tràm này chỉ mới được chủ công ty mua từ đầu tháng 6/2019.

                
   Hợp đồng chuyển nhượng của các hộ dân với    công ty.

Những gì chúng tôi tìm kiếm được cho thấy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 3 hộ dân đều có địa chỉ thường trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Nguyễn Thái Lĩnh, địa chỉ thôn 1, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai (thực tế là Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba - PV chú thích) mới được ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải chứng thực ngày 4/6/2019, tức chỉ cách ngày đoàn tham quan trên đến xã chỉ 10 ngày. Cụ thể, hộ bà Tôn Nữ Thị Lộc ở phường 12, Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất D 098951, được UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 18/6/2004 với diện tích 100.164m2 là hơn 1,7 tỷ đồng. Bà Lý Thị Tuyết Mai tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 353210, được UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 6/6/2003 với diện tích 42.260m2 là hơn 718,4 triệu đồng. Ông Ngô Thành Phong, thường trú tại phường 12, Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 thửa đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X353211, X 353213 cùng được UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 6/6/2003 với diện tích lần lượt là 50.810m2, 57.816m2 có số tiền lần lượt là gần 983 triệu đồng và hơn 863,7 triệu đồng. Tổng diện tích mà ông Nguyễn Thái Lĩnh gom mua từ 3 người dân trên đã hơn 25 ha với hiện trạng là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. 

Dự án “vịt trời”?

Sau khi có thông tin việc phân lô, bán nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại xã Thắng Hải rầm rộ trên mạng xã hội, thanh tra Sở Xây dựng đã đi kiểm tra việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở đây. Kết quả, tại thời điểm kiểm tra, khu đất mà  công ty này đã đăng trên mạng do ông Nguyễn Thái Lĩnh sang nhượng lại của 4 hộ dân, ngoài 3 hộ dân nêu trên có thêm hộ Ngô Thị Vân đang trồng keo lá tràm. Hiện có một ít diện tích cây keo lá tràm đã được khai thác, còn lại toàn bộ chưa có tác động gì đến việc san lấp mặt bằng, chưa làm hạ tầng kỹ thuật.

Ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, cho biết đến thời điểm này, khẳng định luôn, đây là dự án không có thật, vì Công ty cổ phần địa ốc Alibaba chưa thực hiện bất cứ một thủ tục đầu tư nào hết. Tại hiện trường, cũng không có bất kỳ tác động nào, không có xe ủi hay máy móc san mặt bằng, ngoài việc một số cây keo lá tràm bị chặt hạ vì đến tuổi phải khai thác nên không có cơ sở pháp lý để xử lý về vi phạm trong xây dựng. Còn việc tự phân lô, rao bán đất nền trên đất nông nghiệp của công ty này trên mạng thì các cơ quan chức năng có liên quan có thể sẽ xử lý về mặt lừa gạt trong mua bán, trong quảng cáo không đúng sự thật... Vì những gì diễn ra trong vụ mua bán trên đã loan ra từ chính nơi Công ty Alibaba tổ chức rao bán, chứ tại tỉnh, tại huyện Hàm Tân do công ty này không có đầu tư hay tác động gì nên đều hoàn toàn bất ngờ. Vấn đề chính để ngăn chặn tình trạng trên trong thời gian tới là chính quyền địa phương phải quản lý đất đai chặt chẽ hơn.

Điều đáng nói, những người đi mua đất ở dự án này vẫn nghĩ rằng thời gian tới Công ty Alibaba có thể thực hiện các thủ tục đầu tư tại tỉnh để xây dựng dự án như đã phác họa. Vì không ai dại gì bỏ ra 4 - 5 tỷ đồng để mua đất nông nghiệp lại thiếu nước phải trồng keo lá tràm như vừa qua, nhất là hiện tại, vùng đất này được kết nối với đất ở nằm ven đường vào Cụm công nghiệp Thắng Hải. Tuy nhiên,  theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020, vùng này vẫn là đất nông nghiệp, trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất trên  địa bàn Hàm Tân giai đoạn 2020-2025 thì chưa xây dựng và cũng không chắc, vùng đất này có được phê duyệt nằm trong quy hoạch  đất ở hay không. Vì thế, dự án trên thực sự tương tự như vịt trời, thấy đó nhưng có thể sẽ biến mất.  

Bích NghỊ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại Thắng Hải, Công ty Alibaba: Rao bán đất nền trên đất nông nghiệp