SOS - chứng khó đọc

28/04/2023, 07:31

Chương trình giáo dục phổ thông, kết thúc lớp 1, học sinh phải biết đọc thông viết thạo, nhưng suốt thời gian qua dư luận vẫn luôn đặt câu hỏi, tại sao không ít học sinh hết bậc tiểu học lên trung học rồi vẫn chưa biết đọc chữ?

Không phải là cá biệt

Nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới người ta đã nhận ra vấn đề học sinh không đọc được chữ từ lâu chứ đâu phải riêng ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu đã đưa ra Hội chứng khó đọc (Dyslexia)(1) thường xảy ra ở trẻ. Hầu hết trẻ bị chứng khó đọc không được phát hiện sớm, đến khi vào mẫu giáo hoặc lớp 1, lúc đó trẻ chậm tiếp thu khi học các biểu tượng, sử dụng ngôn ngữ, cứ cho rằng trẻ kèm thông minh, không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, để bệnh phát triển ngày càng tệ hơn cho đến khi trưởng thành. Theo CNN, chứng khó đọc lần đầu tiên được ghi nhận vào tháng 11/1896 bởi bác sĩ W. Pringle Morgan tại Sussex (Anh) sau khi tiếp xúc với một cậu bé 14 tuổi “sáng dạ, thông minh, nhanh nhẹn trong các trò chơi nhưng không thể học đọc”. Nguyên nhân của rối loạn được cho là liên quan đến cả yếu tố di truyền lẫn môi trường. Thực tế những trẻ khó đọc chữ là do một số bộ phận cơ cấu trong vỏ não tạo thành vết ngăn làm các cháu không nhìn rõ được đường nét một số chữ như những trẻ bình thường khác, điều đó làm cho bản thân các cháu trở nên mặc cảm, tự ti, cứ nghĩ mình học dốt trước những chê trách của thầy cô, bị bạn bè trêu chọc, điều đó làm cho trẻ ngộ nhận với chính bản thân mình, nhiều em rơi vào tình trạng tự kỉ, xa lánh bạn bè, rồi bỏ học.

kho-doc3.jpg
Triệu chứng cơ bản của chứng khó đọc đó là trẻ khó tiếp nhận được những thông tin mới.

Chứng khó đọc không liên quan tới trí thông minh mà liên quan tới một số gene làm nhiệm vụ kiểm soát sự phát triển của não bộ. Đây là tình trạng có yếu tố di truyền ảnh hưởng tới não và khả năng làm việc với các từ ngữ. Thật ra những trẻ này về trí tuệ vẫn rất bình thường, nhiều trẻ rất thông minh, nếu được phát hiện sớm và có biện pháp kiên trì giúp đỡ trẻ có thể vượt qua.

Tôi đọc trên báo thấy đưa tin ở một trường trung học cơ sở có 6 học sinh lớp 6 chưa biết đọc chữ, nguyên do tại đâu? Thế là trên mạng xã hội tấp nập “ném đá” vào những thầy cô và nhà trường đó. Có người cho là do giáo viên năng lực kém, người lại nói vì “chủ nghĩa thành tích” nông nổi, sợ cấp trên phê bình, cắt danh hiệu thi đua, nên không dám để học sinh lưu ban! Có người “ném đá” vào cả nền giáo dục nước nhà. Theo chúng tôi, những gì dư luận nêu có một phần không thể phủ nhận, nhưng cái chính là giáo viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phát hiện về chứng khó đọc – dyslexia, ở học sinh, nên không có biện pháp hướng dẫn trợ giúp các em. Trước kia, khi còn làm việc, tôi có mấy lần đi dự các lớp tập huấn về giáo dục trẻ khuyết tật, có đề cập đến khuyết tật trí tuệ, cũng định nghĩa: Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc; nhưng chưa thấy nói đến Hội chứng khó đọc một cách cụ thể. Thiết nghĩ, vấn đề này cần bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng và tri thức phát hiện trẻ mắc hiện tượng khó đọc, phối hợp với gia đình và y tế, sớm có biện pháp giúp trẻ vượt qua ngay từ các lớp mẫu giáo. Cần có chế độ giảng dạy chuyên biệt như đã từng áp dụng dạy trẻ khuyết tật trong thời gian qua.

Giúp trẻ tự tin chính mình

Nói những học sinh mắc chứng khó đọc rất thông minh – khác với những học sinh khuyết tật trí tuệ khác, tôi xin đơn cử 2 trường hợp: Một là: tỷ phú người Anh Richard Branson, ông trùm kinh doanh, nhà đầu tư, người sáng lập của tập đoàn Virgin Group (Anh) với hơn 400 công ty là một trong 4 doanh nhân có sức ảnh hưởng nhất thế giới, bên cạnh những tỷ phú Bill Gates, Steve Jobs và Warren Buffet, nhưng có lẽ không mấy ai biết được tuổi thơ dữ dội của ông mắc chứng khó đọc bẩm sinh (dyslexia), nên từ nhỏ, ở trường, thành tích học tập của ông khá kém, luôn ở dưới mức trung bình. Nhưng ông đã vượt qua để thành công xuất sắc là nhờ sự hỗ trợ của người mẹ tuyệt vời. Mẹ của ông – bà Eve Branson kể lại: “Khi đó chúng tôi nghĩ rằng có tới 99% xác suất con mình là kẻ ngốc, và chỉ có 1% xác suất là nó có khả năng tiềm ẩn kiệt xuất gì đấy. Chúng tôi quyết định đặt cược vào 1% đó”. Cách giáo dục của bà đối với một cậu bé chỉ có 1% hy vọng và đã thành công, quả thật làm nhiều người kính nể(2). Hai là: Sao Hollywood, diễn viên nổi tiếng Tom Cruise, ai ngờ lúc nhỏ lại mắc chứng khó đọc. Tài tử Tom Cruise khi 53 tuổi chia sẻ về chứng khó đọc của mình: “Tôi được chẩn đoán là mắc chứng khó đọc và bác sĩ đã kê cho tôi hàng đống thuốc để uống, nhưng mẹ tôi nói không với điều này. Thật sự tôi rất biết ơn bà. Tôi đã tìm đến một bác sĩ tâm thần học và trò chuyện với ông thoải mái về căn bệnh mà đang mắc phải. Đây thực sự mới chính là phương pháp giúp tôi điều trị chứng bệnh này”(3).

Người hỗ trợ cho con mình trở thành người nổi tiếng thế giới (kinh tế, nghệ thuật) đều là hai bà mẹ. Điều đó chắc chắn gợi không ít suy nghĩ cho những bậc cha mẹ không may có con bị chứng khó đọc.   

(1) Dyslexia: Chứng khó đọc là một thuật ngữ chung cho rối loạn đọc nguyên phát. Chẩn đoán dựa trên sự đánh giá trí tuệ, giáo dục, lời nói và ngôn ngữ, y khoa và tâm lý học. Điều trị chủ yếu là quản lý giáo dục, bao gồm việc giảng dạy về kỹ năng nhận dạng cấu trúc và thành phần của từ; (2) vnexpress.net; (3) tienphong.vn.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Phan Thiết: Hoạt động thanh niên phải gắn với Năm Du lịch quốc gia
Thành ủy Phan Thiết do ông Nguyễn Văn Luân – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy vừa có buổi làm việc với Thành đoàn Phan Thiết nghe báo cáo, đề xuất các giải pháp thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Thành đoàn và Đoàn các phường- xã và kế hoạch thực hiện các hoạt động trong năm 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SOS - chứng khó đọc