Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khởi đầu thành công và tạo đà. Bài 1

25/06/2024, 05:05

Thành công bước đầu trong sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2019 -2021, nay Bình Thuận tiếp tục lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương.

Bài 1: Khởi đầu bám sát

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào những năm 2020 - 2022, nhưng các cấp chính quyền Bình Thuận đã bám sát các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn đầu 2019 – 2021.

taithiet.jpg

Bám sát chủ trương

Vào những năm đỉnh điểm của dịch Covid-19, Bình Thuận cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước phải gồng mình chống dịch. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng Bình Thuận đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó có thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.

Minh chứng, năm 2018 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau đó, Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 ra đời. Đây cũng là thời điểm nghị quyết được triển khai trên cả nước.

Theo báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 của UBND tỉnh Bình Thuận, ngay sau Nghị quyết 653 ban hành, UBND tỉnh có Đề án số 3929/ĐA-UBND về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, gửi Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, Bình Thuận không có ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định bắt buộc phải sắp xếp tại Nghị quyết số 653. Nhưng Bình Thuận đề xuất sáp nhập theo diện khuyến khích 6 ĐVHC cấp xã, còn cấp huyện giữ nguyên.

Cụ thể sáp nhập 6 xã, thị trấn gồm, xã Hòa Phú nhập vào thị trấn Phan Rí Cửa lấy tên thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong; xã Đức Tân vào xã Măng Tố lấy tên xã Măng Tố thuộc huyện Tánh Linh; xã Đức Chính vào xã Nam Chính thành xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Như vậy, toàn tỉnh còn 93 xã, 19 phường, 12 thị trấn, tổng cộng 124 xã, thị trấn và 10 huyện, so với trước đó 127 xã, thị trấn gồm 96 xã, 19 phường, 12 thị trấn.

image_50422017-1-.jpg

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã Nam Chính về việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021

Nỗ lực triển khai

Ngay sau khi thông qua Đề án 3929, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 820 về sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Bình Thuận 2019 - 2021. UBND tỉnh triển khai nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện Tuy Phong, Tánh Linh và Đức Linh chuẩn bị các điều kiện để tổ chức công bố Nghị quyết số 820 để nhanh chóng đưa các ĐVHC mới đi vào hoạt động.

Dù dịch Covid-19 lúc ấy diễn biến phức tạp, nhưng các huyện nỗ lực cụ thể hóa các văn bản của tỉnh triển khai đến các xã. Trong đó, trọng tâm phối hợp với các xã, xây dựng đề án sáp nhập, nêu rõ thực trạng, quan điểm, mục tiêu sáp nhập và phương án sắp xếp... Đặc biệt là công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức, nhân dân hiểu rõ về sự cần thiết phải sáp nhập các ĐVHC. Ông Nguyễn Văn Húy – Bí thư Huyện ủy Đức Linh, một trong những huyện có ĐVHC xã sáp nhập cho biết: “Khi ấy Đức Linh cũng như các huyện khác có ĐVHC cấp xã phải sáp nhập, vừa phòng chống dịch vừa triển khai đề án sáp nhập ĐVHC, khó khăn nhất là trong lấy ý kiến nhân dân. Nhưng với phương châm không ngại khó, khổ, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vừa phòng chống dịch vừa tuyên truyền rộng rãi tinh thần nghị quyết đến cán bộ, nhân dân để họ nhận thức đầy đủ ý nghĩa chủ trương sáp nhập các ĐVHC của Đảng và Nhà nước.

Bởi đây là chủ trương đúng và hợp thời khi mà hiện nay đường sá, phương tiện đi lại thuận tiện, công nghệ thông tin truyền thông - sợi dây kết nối thông tin liên lạc, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Chưa nói đến việc tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, giảm chi phí hành chính, tiết kiệm kinh phí hàng năm để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Chính vì vậy, ngay từ khởi đầu lộ trình sắp xếp ĐVHC đã được các cấp, ngành quan tâm bám sát.

Theo phần đánh giá kết quả tại Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 của UBND tỉnh: Đây là lần đầu tiên địa phương thực hiện lấy ý kiến nhân dân về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC theo quy định của Trung ương nên một số nơi lúng túng trong công tác thông tin, tuyên truyền và gửi phiếu lấy ý kiến người dân.

NINH CHINH


(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khởi đầu thành công và tạo đà. Bài 1