Sao không nuôi, thả ong ký sinh loại trừ sâu đầu đen?

12/09/2024, 05:10

Mặc dù người trồng dừa ở xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) dọn vườn, tỉa cành, phun thuốc để cứu sống cây dừa, nhưng sâu đầu đen vẫn tấn công. Diện tích dừa bị sâu hại năm 2024 tăng hơn so năm ngoái.

sau-dua-thien-nghiep.jpg

Vườn dừa tại xã Thiện Nghiệp héo rũ do sâu đầu đen phá hoại.

Gia tăng diện tích sâu đầu đen tấn công

Năm 2024, nhiều vườn dừa ở các tỉnh miền Tây Nam bộ bị sâu đầu đen hoành hành, gây nhiều thiệt hại, giảm năng suất. Có những vườn có nguy cơ không đậu trái, không có trái để thu hoạch. Cùng thời gian này, không ít vườn dừa ở xã Thiện Nghiệp cũng bị thiệt hại không khác gì so với những vườn dừa ở các tỉnh bạn.

Toàn xã có 263 ha dừa, thì hiện các vườn dừa từ 3 năm tuổi trở lên ở đây bị sâu đầu đen tấn công, gây thiệt hại với diện tích 19,7 ha tập trung tại thôn Thiện Trung, Thiện Bình. Trong khi đó, năm 2023, số diện tích bị thiệt hại do sâu này tấn công phá hoại là 10,9 ha. Từ số liệu cho thấy 2 năm liền (2023 - 2024), các vườn dừa Thiện Nghiệp bị sâu hại tấn công có chiều hướng gia tăng, chưa được kiểm soát tốt, gây thiệt hại cho dân. Những cây dừa bị sâu đầu đen tấn công, tàu lá ủ rũ, bị cháy trơ trụi phủ lên màu xám, thay cho màu xanh mướt trước đây.

Một số nông dân ở xã Thiện Nghiệp chia sẻ: Mặc dù dọn vườn, tỉa cành, cố gắng chăm sóc, phun thuốc để cứu sống cây dừa, nhưng sâu năm nay tấn công nhiều hơn năm ngoái. Không ít gia đình phụ thuộc vào vườn dừa mà gặp sâu hoành hành, gây thiệt hại làm lá dừa không còn diệp lục để sống. Điều này ảnh hưởng đến sinh kế của người trồng dừa. Đáng ngại nhất là sâu đầu đen có nguy cơ tấn công lan rộng ra nhiều diện tích.

Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, cho biết: Diện tích dừa năm 2024 bị sâu đầu đen tấn công tăng so năm ngoái. Trước tình hình này, người dân được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa trên hệ thống truyền thanh của xã và phát tờ rơi tới người dân. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết mở 3 lớp tập huấn hướng dẫn phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại xã Thiện Nghiệp, hỗ trợ 1 máy phun thuốc cho các hộ dân có nhu cầu.

tap-huan-dua.jpg
Nông dân xã Thiện Nghiệp tham gia tập huấn phòng trừ sâu hại trên cây dừa.

Các tỉnh bạn dùng thiên địch

Trước sự tấn công của sâu đầu đen, cơ quan chức năng ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ nuôi và phóng thích hàng trăm triệu con ong ký sinh ra môi trường tự nhiên ở các vườn dừa để diệt trừ sâu đầu đen. Bởi ong ký sinh là thiên địch của sâu bọ hại dừa. Đây là biện pháp sinh học, áp dụng để quản lý loài dịch hại mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đánh giá chung, khi ong ký sinh được phóng thích, triệu chứng nhiễm mới và mật độ sâu giảm nhiều. Với vườn dừa có mức độ nhiễm sâu nhẹ, biện pháp sinh học này kiểm soát được nhanh, làm cho cây dừa dần phục hồi tốt. Sau khi thả ong ký sinh, người trồng dừa không được phun thuốc trừ sâu nhằm tránh ảnh hưởng sức sống của ong.

Được biết, có 2 loại ong ký sinh gồm loại kích thước nhỏ ký sinh trên ấu trùng bọ cánh cứng, phát triển mùa nắng; loại kích thước lớn hơn ký sinh trên nhộng bọ cánh cứng, phát triển mùa mưa. Nông dân liên hệ nguồn ong ký sinh tại các đơn vị, hộ nuôi sẵn hoặc tự thu nhặt ngoài tự nhiên. Ấu trùng ong ký sinh chuyển sang màu nâu gọi là mumy và chuẩn bị nở ra ong. Ong trưởng thành tự tìm các ấu trùng hoặc nhộng của sâu bọ đầu đen, cánh cứng để ký sinh khiến ấu trùng và nhộng của sâu bọ không thể phát triển.

Thiết nghĩ, Hội Nông dân xã và người trồng dừa ở Thiện Nghiệp nên tìm hiểu và ứng dụng biện pháp sinh học bằng cách nuôi, phóng thích ong ký sinh vào vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công nhằm giảm thiệt hại, thay cho việc phun xịt thuốc trừ sâu thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. Điều này cũng mở ra hướng đi mới trong canh tác dừa theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm.

TRANG MINH

Related articles
Sầu riêng VietGAP và cơ hội cho các nông sản khác
HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX SXKD-DVNN) thuộc thôn La Dày, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) vừa được tổ chức chứng nhận FAO cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả tươi đối với 40 ha. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các hộ thành viên, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và chính quyền địa phương trong suốt 1 năm qua. Đến nay HTX đã đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu của một số thị trường khó tính, hướng đến phát triển bền vững.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao không nuôi, thả ong ký sinh loại trừ sâu đầu đen?