Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín

14/06/2022, 07:24

Thời gian gần đây, một trong những sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công trên địa bàn tỉnh là mô hình kinh tế tuần hoàn “Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường”. Mô hình do Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh (trung tâm) thực hiện.

Quy trình khép kín

Theo TS. Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều tiềm năng, được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, thuận lợi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ và giá cả không ổn định. Với những tồn tại này, việc giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần đa dạng đối tượng giống cây trồng vật nuôi cho người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xem xét, ứng dụng. Một trong số đó là mô hình kinh tế tuần hoàn “Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường”.

nam-linh-chi-anh-nl-1-.jpg
Trồng nấm linh chi. Ảnh: N.Lân

Nói về quy trình sản xuất tuần hoàn của mô hình này, ông Lê Việt Kỳ - chuyên viên trung tâm giải thích: Đầu tiên là trồng nấm linh chi hoặc bào ngư… Sau khi kết thúc đợt trồng này, tiếp tục tận dụng nguồn mùn cưa để trồng nấm rơm. Bởi nguồn mùn cưa sau trồng các loại nấm khác được sử dụng để trồng nấm rơm thì năng suất cao hơn 5-7% so với trồng nấm rơm trên rơm. Điều này có ý nghĩa kinh tế rất lớn vì không phải tốn chi phí mua nguyên liệu mà năng suất còn cao hơn trên rơm. Sau khi kết thúc đợt trồng nấm rơm, tiếp tục tái sử dụng nguyên liệu này để trồng rau mầm. Nguồn nguyên liệu này hoàn toàn thích hợp cho trồng rau mầm vì sau khi trồng 2 loại nấm trên, nguyên liệu đã gần như bão hòa nước, giữ ẩm rất tốt.

Sau khi kết thúc đợt trồng rau mầm, tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ. Nguồn nguyên liệu này được phối trộn chung với phân bò, tro trấu… sau đó ủ chung với men vi sinh khoảng 1 tháng sẽ tạo thành phân hữu cơ. Nguồn phân hữu cơ này tiếp tục được sử dụng trong trồng trọt sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết thúc vụ trồng trọt, các phế thải nông nghiệp tiếp tục được sử dụng để trồng nấm.

Hiệu quả khi triển khai

Như vậy, từ mùn cưa thải sau trồng nấm, nguyên liệu được tái sử dụng nhiều lần để cho ra các sản phẩm khác nhau. Sau đó phế phụ phẩm từ trồng trọt lại trở thành nguồn nguyên liệu trồng nấm. Theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong dự án này, người trồng nấm rơm có lợi nhuận trên 15 triệu đồng, thay vì chỉ 9,75 triệu đồng do tiết kiệm được 6 triệu đồng từ tận dụng mùn cưa thải sau trồng nấm linh chi… Do đó có thể khẳng định, mô hình “Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường” là mô hình kinh tế tuần hoàn, đang được khuyến khích phát triển hiện nay.

z3486005791150_716f3cab0ace93e4330ef1e1a75379a2.jpg
Trồng nấm linh chi

Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh cho biết, bắt đầu từ năm 2013, đơn vị đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tánh Linh triển khai đề tài “Xây dựng mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”. Năm 2020, triển khai đề tài “Xây dựng mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”. Hiện tại, trung tâm đang phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Linh thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình liên kết tạo chuỗi sản phẩm nấm bào ngư, rau mầm và phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”, dự kiến tháng 8/2022 kết thúc. Đồng thời, đơn vị đang phối hợp các địa phương tập huấn kiến thức sản xuất 4 loại sản phẩm trên đến người dân.

Theo đánh giá của trung tâm, mô hình tạo ra được nhiều sản phẩm nhưng tiết kiệm chi phí nguyên liệu, thân thiện với môi trường, hiệu quả nhân rộng cao. Kỹ thuật sản xuất ra các sản phẩm trong mô hình tương đối đơn giản, người dân có thể tiếp cận và làm chủ quy trình nhanh. Mặt khác, kinh phí để triển khai mô hình không lớn, do đó nhiều người dân có thể đầu tư được. Thuận lợi nữa là khí hậu tại Bình Thuận hoàn toàn thích hợp để triển khai mô hình này và không tốn nhiều thời gian để tạo ra các sản phẩm trên nên phù hợp cho nhiều đối tượng lao động.

Tuy nhiên, với quy mô đầu tư nhỏ, các sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ nhưng khi đầu tư lớn thì bài toán đầu ra có thể khó khăn vì người dân vẫn chưa có kênh sản xuất - tiêu thụ, chủ yếu tự tìm kiếm thị trường. Đối với người nông dân đây là vấn đề trở ngại nhất.

Chính vì vậy, để thay đổi tập quán và nhân rộng mô hình, thông qua nhiều nguồn kinh phí KHCN, khuyến nông... cần tiếp tục hỗ trợ làm các mô hình mẫu để người dân có thể tham quan, học tập từ đó công tác nhân rộng hiệu quả mô hình được cao hơn.

K HẰNG

Related articles
Nông nghiệp tuần hoàn - những vấn đề đặt ra 
BT- Kinh tế tuần hoàn là mô hình mới cần được quan tâm, định hướng, lựa chọn phù hợp từng ngành, lĩnh vực, thực hiện thí điểm, triển khai nhân rộng hình thành vùng nông nghiệp trong tổng thể phát triển kinh tế Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín