Nhìn lại chặng đường
Tại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch với tốc độ lây lan cao, biến chủng mới qua từng đợt làm gia tăng lây nhiễm trong cộng đồng. Covid-19 làm cho kinh tế, chất lượng cuộc sống chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 23/1/2020, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận trường hợp mắc bệnh Covid-19 đầu tiên. Tính đến nay, cả nước có hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, hơn 43.000 trường hợp tử vong; 99,9% số ca mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020 - 2022. Riêng Bình Thuận, ngày 10/3/2020, Phan Thiết ghi nhận trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Cùng với 4 đợt bùng phát dịch trong nước, Bình Thuận ghi nhận 54.340 ca mắc Covid-19, thì có 484 ca tử vong, trong đó có 29 ca tử vong ngoài tỉnh; 99,9% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2021- 2022.
Với tốc độ lây lan nhanh, sự diễn biến phức tạp của Covid-19, cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chung sức chung lòng thực hiện các giải pháp chống dịch phù hợp, kịp thời. Nhờ đó, dịch bệnh từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Điều này góp phần, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Người dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Song song đó, mỗi người không thể nào quên tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ, lực lượng chức năng nơi tuyến đầu.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B và Bộ Y tế ban hành Quyết định 3896 có hiệu lực ngày 20/10/2023. Điều này thêm dấu mốc ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, cho ngành y tế về phòng, chống dịch.
Kiểm soát bền vững dịch Covid-19
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.
Để hạn chế dịch bệnh bùng phát cũng như sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp Covid-19 quay trở lại với các biến chủng nguy hiểm hoặc với các đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch Covid-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác giai đoạn 2023 - 2025 tại tỉnh. Kế hoạch này đề ra mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; giảm số mắc, số ca nặng, tử vong Covid-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.
Cùng với đó, là các giải pháp, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch, đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Các địa phương xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025. Xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng Covid-19 phù hợp theo nhóm tuổi, lịch tiêm chủng; lồng ghép tiêm vắc xin này vào chương trình tiêm chủng thường xuyên tại cơ sở y tế. Hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B; giải quyết những ảnh hưởng do Covid-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản.
Mỗi cá nhân thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn); đeo khẩu trang nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi. Đồng thời, vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc theo định kỳ. Những trường hợp nghi mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.