Lưu giữ những nét văn hóa của cư dân nông nghiệp truyền thống
Bình Thuận có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống. Định hướng của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ nhằm giải quyết vấn đề giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, tạo sự phát triển bền vững trong tương lai. Để giải quyết những khó khăn trên, ngành du lịch của tỉnh đã và đang khai thác một loại hình du lịch mới, có nét đặc trưng riêng biệt từ nguồn tài nguyên nông thôn, nông nghiệp to lớn hiện có của tỉnh. Thông qua du lịch có thể lưu giữ được những nét văn hóa của cư dân nông nghiệp truyền thống, các giá trị nhân văn hiện vẫn còn được bảo tồn và lưu truyền trong nông thôn. Phát triển một cách bền vững là hướng phát triển giúp cho tỉnh có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả và đạt được thành công.
Thời gian gần đây ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều nghiên cứu tìm hướng đi thích hợp để khai thác tốt tiềm năng du lịch, giải quyết vấn đề việc làm cho một bộ phận lao động trẻ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành dịch vụ, cung cấp hàng hóa xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ… Tạo nguồn thu nhập thêm bên cạnh nguồn thu chủ yếu từ hoạt động canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là chiến lược, chính sách phát triển hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được nhiều địa phương thực hiện thành công. Bởi vì phát triển du lịch có thể đem đến những lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa trực tiếp cho cộng đồng, địa phương đã được khẳng định trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Hiện nay, có rất nhiều loại hình du lịch đã được phát triển, nhưng một trong những loại hình du lịch đang phát triển nhanh, trở thành xu hướng của thời đại, được khách du lịch quan tâm nhiều nhất là du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của loại hình du lịch này gắn liền với khai thác và bảo tồn văn hóa, di sản ở nông thôn và hoạt động sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm thực tế, thưởng thức các giá trị văn hóa, lối sống và ẩm thực địa phương, kết nối với thiên nhiên, văn hóa và con người vùng nông thôn. Các hoạt động, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đa dạng thường được tổ chức theo các kỳ nghỉ ngắn ngày, tour tham quan, khám phá, trải nghiệm, lưu trú tại các trang trại, nông trại trồng trọt hoặc chăn nuôi có quy mô lớn ở vùng nông thôn. Từ đó nhiều điểm đến du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn được hình thành ở một số địa phương trong tỉnh. Một số mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn bước đầu mang lại hiệu quả.
Thúc đẩy du lịch với sản phẩm đặc trưng
Trong hành trình du lịch, ngoài việc thụ hưởng các dịch vụ về lưu trú, ngắm cảnh, vui chơi thì du khách đặc biệt quan tâm tới các sản phẩm đặc trưng mang thông điệp về văn hóa của mỗi vùng đất và người dân địa phương như: Nông sản, ẩm thực, hàng thủ công, hàng lưu niệm... Đây chính là yếu tố hấp dẫn, tạo dấu ấn khác biệt ở mỗi điểm đến. Hiện nay các điểm du lịch của tỉnh cũng đã được bố trí, xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng. Các địa phương còn lựa chọn, vận động các hộ gia đình duy trì hoạt động, dịch vụ chế biến các món ăn truyền thống để giới thiệu cho khách du lịch thưởng thức và trải nghiệm cách chế biến, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm được chứng nhận OCOP giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tại khu du lịch ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm như hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại. Khu du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt. Huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng. Thị xã La Gi gắn với các sản phẩm hải sản tươi sống các loại. Trên địa bàn TP. Phan Thiết gắn với các quảng bá và bán sản phẩm nước mắm, hải sản các loại, thanh long, cốm Bình Thuận, bánh rế, tranh cát Phi Long và các sản phẩm như bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rômô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu ở huyện Đức Linh, dịch vụ tham quan và bán hàng tại các vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam… Các sản phẩm đặc trưng này dù không phải là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch, song không thể phủ nhận, việc thiếu các sản phẩm đặc trưng, quà tặng, đồ lưu niệm sẽ phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương. Việc tìm kiếm, phát triển những sản phẩm đặc trưng cần tiếp tục được quan tâm, góp phần làm nên sự hấp dẫn của mỗi điểm đến, đủ sức níu chân du khách trong, ngoài tỉnh và cả du khách quốc tế.