Trong đó, đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình tàu cá hoạt động trên biển, trong khu neo đậu tránh trú bão và tại các cửa sông, cửa lạch, bãi ngang ven biển; duy trì thông tin liên lạc và hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển di chuyển tránh trú bão đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, kiểm tra thực tế tại các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và khu neo đậu tàu thuyền tập trung, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền, neo đậu đảm bảo an toàn. Yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng tháo dỡ các dàn đèn cao áp, dàn phơi hải sản trên tàu cá và cất giữ vào nơi an toàn. Ngư cụ khai thác hải sản và các vật dụng khác trên boong tàu phải được sắp xếp gọn gàng, chằng buộc chắc chắn.
Sắp xếp các tàu có kích cỡ tương đương nhau neo đậu gần nhau và phải tăng cường các đệm chống va giữa các tàu. Kiểm tra các dây neo, buộc tàu, các dây phải đảm bảo về sức bền, lực kéo và chiều dài. Đối với các tàu nhỏ phải kéo lên bờ, chằng buộc chắc chắn để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, huy động Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng địa phương thông báo, đôn đốc tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển chịu ảnh hưởng của bão để chủ động tránh, trú đảm bảo an toàn.
Đối với khu vực nuôi trồng thủy sản, tổ chức gia cố, di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản về các khu vực an toàn và phủ lưới trên các mặt lồng bè, tránh thất thoát hải sản. Tuyệt đối không để dân ở lại trên các chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trong thời gian bão đổ bộ vào bờ.
Tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 982 ngày 28/10/2016 của Tổng cục Thủy sản về việc ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu và giải pháp bảo vệ ao, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão, áp thấp nhiệt đới.