Buổi lễ có sự tham dự của ông Phạm Quốc Hùng – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cùng lãnh đạo UBND các xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ và các tổ trưởng, điều tra viên.
Ông Phạm Quốc Hùng - Cục trưởng Cục thống kê phát biểu lễ ra quân
Cuộc điều tra sẽ kéo dài từ ngày 1/7 đến ngày 15/8. Đây là năm thứ ba thực hiện điều tra này (hai lần trước đó là vào các năm 2015 và 2019). Điều tra sẽ được tiến hành tại 7 huyện trong tỉnh (trừ Phú Quý) với 45 xã và 163 địa bàn; huy động 126 điều tra viên, 45 tổ trưởng, 13 giám sát viên cấp tỉnh, 26 giám sát viên cấp huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, toàn huyện có 24 địa bàn được Trung ương chọn mẫu để điều tra thuộc 8 xã, thị trấn gồm: La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến, Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Hòa, Thuận Minh và thị trấn M Lâm với 770 hộ, điều tra viên được trưng tập là 23 người và 8 tổ trưởng.
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phạm Quốc Hùng cho biết, Cục Thống kê sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh để tổ chức thực hiện. Kết quả của cuộc điều tra sẽ cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ, đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như của tỉnh trong điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; đồng thời phục vụ cho cấp huyện và cấp xã trong công tác dân tộc.
Cục Thống kê giám sát quá trình điều tra thu thập thông tin
Với tính chất quan trọng, để cuộc điều tra diễn ra thành công, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh yêu cầu các giám sát viên, tổ trưởng, công chức phụ trách công tác dân tộc tại địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, dự phỏng vấn với điều tra viên. Các điều tra viên phải cố gắng, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ điều tra; sử dụng thông thạo công nghệ thông tin trong ghi phiếu bằng thiết bị thông minh một cách chính xác; đảm bảo không sai sót; đúng nội dung quy định. Cần chú ý 100% phải đi đến hộ và bật xác định định vị GPS trên thiết bị điều tra; xác định đúng các chỉ tiêu theo quy định của phương án điều tra đã tập huấn. Đồng thời, mỗi giám sát viên, tổ trưởng, điều tra viên cần tuyên truyền tích cực đến người dân. Từ đó tạo sự đồng thuận trong cộng đồng để cuộc điều tra hoàn thành đảm bảo chất lượng và thời gian.
Ngay sau lễ ra quân, các điều tra viên đã đi đến từng hộ dân để thực hiện điều tra. Tại các hộ, điều tra viên áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp, hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh.