Triệt phá nhiều đối tượng cho vay nặng lãi
Một trong những thành tích nổi bật thời gian gần đây là vụ việc liên quan đến đối tượng Diệp Văn Hoàng (SN 1968, trú tại phường Xuân An, TP. Phan Thiết). Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận xác định từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025, đối tượng Hoàng đã nhiều lần cho bà N.T.L vay với tổng số tiền lên đến 1 tỷ đồng, với lãi suất thỏa thuận 30%/tháng, tương đương 360%/năm – cao gấp nhiều lần mức lãi suất tối đa được pháp luật cho phép. Từ đây, đối tượng đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Khi bà L không còn khả năng chi trả, Hoàng tiếp tục ép buộc nạn nhân ký giấy ghi nợ với tổng số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng. Cụ thể, vào ngày 12/4/2025, Hoàng cùng một phụ nữ tên Ngô Thị Bảo Ngọc đến nhà bà L để đòi nợ. Cả hai đã lớn tiếng uy hiếp tinh thần bà L, buộc nạn nhân ký giấy xác nhận nợ. Ngay sau khi rời khỏi nhà bà L, các đối tượng đã bị lực lượng công an kiểm tra, đưa về trụ sở để làm rõ hành vi vi phạm. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Diệp Văn Hoàng để điều tra về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Thị Bảo Ngọc để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Đáng chú ý, chỉ trước đó 1 ngày, chiều ngày 11/4/2025, Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Trần Hiếu (SN 1988, trú tại phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết) về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Kết quả điều tra cho thấy, Trần Hiếu đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 180%/năm, gấp 9 lần so với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, Hiếu sử dụng nhiều biện pháp đe dọa tinh vi, như gọi điện thoại liên tục, đến tận nơi làm việc để uy hiếp tinh thần hoặc kéo theo nhiều người đến nhà nạn nhân để tạo áp lực trả nợ.
Vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân
Những vụ việc trên chỉ là một phần trong chuỗi hoạt động quyết liệt, đồng bộ của Công an tỉnh Bình Thuận nhằm đấu tranh với loại tội phạm này. Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm khác như cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí là các hành vi xâm phạm tính mạng con người.
Thời gian qua, lực lượng công an đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, từng bước làm trong sạch địa bàn và củng cố niềm tin trong quần chúng nhân dân. Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể để tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen”, từ đó nâng cao nhận thức, cảnh giác trong cộng đồng.
Hoạt động cho vay nặng lãi thường nhắm đến những người dân khó khăn, cần tiền gấp nhưng không đủ điều kiện tiếp cận các kênh tín dụng hợp pháp. Không ít trường hợp vì không thể trả nợ đúng hạn đã phải đối mặt với sự đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí mất nhà, mất việc, mất cả mạng sống.
Những chiến công nối tiếp của lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận trong công tác triệt phá các đối tượng cho vay nặng lãi là minh chứng cho tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, không quản ngại gian khổ, luôn kiên định mục tiêu giữ vững an ninh trật tự, đem lại bình yên cho mỗi người dân. Đó cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc đến các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen”, rằng mọi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong thời gian tới, cùng với sự quyết liệt của lực lượng công an, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ chính quyền địa phương, các tổ chức tín dụng đến từng người dân.