Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AFP, ông Borrell cho rằng Tổng thống Putin đã nhìn ra "sự mệt mỏi của người dân châu Âu và sự do dự của họ trong việc chấp nhận những hệ quả của việc ủng hộ Ukraine".
Tuần tới, ông Borrell sẽ tổ chức các cuộc trao đổi với các Bộ trưởng Quốc phòng và các Ngoại trưởng EU ở Prague, Cộng hòa Séc với hy vọng củng cố mặt trận ngoại giao đoàn kết trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Các nước thành viên EU, với hầu hết trong số đó cũng là thành viên NATO, đã nhất trí thông qua hàng loạt gói trừng phạt nhằm vào các quan chức thân cận của Tổng thống Putin và các ngành kinh tế của Nga, trong đó có dầu mỏ.
Hiện nay, tại một số nước EU, giá năng lượng và tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt. Dù vậy, các nước Đông Âu có biên giới giáp với Nga vẫn muốn thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn và đang thúc đẩy lệnh cấm visa đối với các du khách Nga.
Trong khi đó, các nước châu Âu khác bày tỏ thái độ do dự khi thực hiện các biện pháp có thể gây tổn thất cho nền kinh tế của mình bởi họ lo ngại sự ủng hộ của các cử tri với Ukraine không thể vượt qua được thực tế cắt điện vào mùa đông và hóa đơn khí đốt tăng chóng mặt.
Ông Borrell khẳng định: "Chúng ta phải dành cho Ukraine sự hỗ trợ khác bên cạnh việc cung cấp vũ khí". Dù vậy, việc tìm kiếm được sự nhượng bộ giữa các ưu tiên khác nhau của các nước EU không phải việc dễ dàng./.