Phú Quý như tên gọi

05/08/2022, 05:35

Từ những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi đã từng đến Phú Quý, khi ấy đảo còn những nét hoang sơ, mộc mạc, hạ tầng thiếu thốn đủ bề. Chặng đường 30 năm sau khi tái lập tỉnh Bình Thuận đã từng bước đưa Phú Quý “thay da đổi thịt”, diện mạo mới trên đảo nhỏ khởi sắc rõ nét. Nhiều người ở xa khi đáp tàu cao tốc khoảng 3 giờ ra đảo không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh vật của Phú Quý hôm nay.

Kết cấu hạ tầng đồng bộ

Điều ấn tượng với nhiều người ra công tác, tham quan đảo bây giờ là kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm đồng bộ. Ông Lê Quang Vinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho chúng tôi biết: “Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khi ấy đã ra thăm, làm việc với huyện đảo đã quyết định hỗ trợ nguồn vốn Biển Đông - Hải đảo, đầu tư xây dựng 3 công trình lớn là cảng giao thông Phú Quý giai đoạn I, nhà máy điện Phú Quý, đường vành đai dài 16,2 km và đã hoàn thành trong 3 năm. Tiếp đó, các dự án quan trọng khác đã được Trung ương, tỉnh tập trung đầu tư, cùng sự nỗ lực cả hệ thống chính trị, nhân dân huyện đảo đưa diện mạo Phú Quý ngày càng khang trang, khởi sắc; đảo đi dần vào thế ổn định, tạo tiền đề phát triển bền vững, vượt bậc trong tương lai”.

dsc09244.jpg
"Vũ điệu" lòng bè hải sản trên biển Phú Quý.

Quả thật, nhiều người đến đảo hôm nay nhận ra những nét thay đổi này. Đó là tuyến đường vành đai bằng nhựa phẳng lỳ vòng quanh trên đảo, kết nối 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải với nhau, tạo điều kiện thông thương. Ở khu vực trung tâm, đại lộ Hùng Vương rộng rãi có dải phân cách trồng hoa tôn thêm vẻ đẹp cho nét đô thị đang hình thành. Song song đó, đại lộ thênh thang được mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để tưởng nhớ Thủ tướng trước đây ra thăm đảo, động viên quân, dân huyện nhà. Các tuyến đường lớn, nhỏ ở trung tâm Ngũ Phụng, Tam Thanh hầu hết đều gắn tên các danh nhân, anh hùng của đất nước và địa phương, cùng ánh đèn điện tỏa sáng về đêm, chẳng khác gì phố xá ở đất liền. Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trải dài hai bên các con đường lớn này, mang dáng dấp thị tứ. “Ở trên đảo, hạ tầng giao thông đường bộ gần như khép kín, với gần 80 km đường nội huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; giao thông nông thôn hoàn chỉnh, các tuyến đường thôn, xóm đều được bê tông xi măng góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện đảo”, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng Kinh tế - Tài chính Phú Quý cho hay. Ông Linh nhớ lại: “Gần 10 năm trước, người dân ở đảo rất vui mừng khi hệ thống năng lượng như điện Diesel, điện gió, tổng công suất trên 16 MW, đáp ứng điện 24/24h, đảm bảo điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt cho hơn 27.000 dân trên đảo. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi ấy đã ban hành Quyết định số 28 cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, hiệu lực từ 1/6/2014: Áp dụng thống nhất giá bán điện khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Nhờ vậy, hàng chục ngàn hộ dân trên đảo được áp dụng giá điện bằng đất liền”.

thon-thuong-chau-ngu-phung20.jpg
Kè biển Ngũ Phụng đảo Phú Quý. Ảnh: Đ.Hòa

Đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Trước đó, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý cấp vùng đã hình thành nhiều năm trước, có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, xây dựng trên diện tích gần 11 ha mặt đất, gần 56 ha mặt nước; đáp ứng trên 1.000 tàu cá công suất 90 - 600 CV vào tránh trú bão. Khu neo đậu này là bến đi về của hàng trăm tàu công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần trên biển của ngư dân huyện đảo. Hiện tại, huyện đã quy hoạch Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Phú Quý tổng diện tích gần 23 ha, kêu gọi các nguồn lực ngoài xã hội vào đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ phát triển chế biến hải sản. Cách khu neo đậu không xa, cảng biển nước sâu Phú Quý đáp ứng cho nhiều tàu vận tải, hành khách cập bến. Từ cảng này, 5 tàu trung cao tốc (Supperdong I, II và Phú Quý Express…) xuyên suốt đối lưu vào ra cảng Phan Thiết chỉ khoảng 2h30’- 3h, kể cả trong điều kiện gió cấp 7, 8; phục vụ nhân dân trên đảo đi lại thuận tiện, an toàn. Xung quanh đảo, hệ thống kè chống biển xâm thực đang dần khép kín, bảo vệ đảo trước sóng to gió lớn vào mùa bấc.

Trong khi đó, hạ tầng bưu chính viễn thông ở đảo được các ngành chức năng quan tâm đầu tư phát triển, 3 nhà mạng chính: VNPT, Mobiphone, Viettel đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, an toàn mạng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, nhu cầu nhân dân. Các di tích lịch sử, di tích văn hóa được quan tâm đầu tư, tôn tạo; 4 trung tâm văn hóa của huyện, xã thu hút các loại hình thể thao, giải trí như sân bóng đá mini, phòng tập gym, câu lạc bộ bida. Bên cạnh, Trung tâm Y tế Quân dân y huyện quy mô đến 500 giường, 3 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đảm bảo khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở đây. Trường THPT Ngô Quyền hình thành từ lâu, học sinh bây giờ đã thi tốt nghiệp ở đảo. Toàn huyện có gần 68% số hộ sử dụng nước sạch và 99% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh… 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải của huyện lần lượt đạt chuẩn xã Nông thôn mới. Phú Quý vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015. Đây là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Phú Quý toàn diện hơn, khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế, vươn lên giàu mạnh, như tên gọi thân yêu có từ lâu đời nay. “Phú Quý đang ưu tiên phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản, dịch vụ du lịch theo Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 của UBND tỉnh công nhận Phú Quý là Khu du lịch cấp tỉnh”, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch huyện chia sẻ.

THÁI KHOA

Related articles
Cảnh báo các sản phẩm xuất khẩu: Nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Mới đây vào đầu tháng 8/2022, Sở Công Thương đã thông báo danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý như tên gọi