Chuyên gia cảnh báo các nước không nên chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

26/07/2022, 15:40

Các chuyên gia dịch tế học bệnh truyền nhiễm cảnh báo các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu.

Cuối tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm.

Tại cuộc họp báo ngày 24/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Ghebreyesus cho biết, các thành viên của một ủy ban chuyên gia đã họp vào ngày 21/7 để thảo luận về khả năng công bố tình trạng y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, có sự chia rẽ trong việc đưa ra quyết định với 9 thành viên phản đối và 6 người khác ủng hộ, điều này buộc ông phải đứng ra công bố, phá vỡ thế bế tắc. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có hành động như vậy.

dau.jpg
Theo các chuyên gia, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ cao nhất. Ảnh minh họa: CNBC

Trường hợp tuyên bố hiếm gặp này cho thấy WHO hiện coi đợt bùng phát hiện nay là một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe toàn cầu và cần có một phản ứng quốc tế phối hợp nhằm ngăn chặn virus bùng phát thành đại dịch.

Mặc dù tuyên bố của WHO không đặt ra các yêu cầu đối với chính phủ các nước, nhưng nó đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp.

Không thể coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ

“Đây là đợt bùng phát duy nhất mà chúng ta biết đến về loại virus này, nhưng nó đang lây lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới”, Tiến sĩ Syra Madad, Giám đốc cấp cao của Chương trình mầm bệnh đặc biệt tại New York, nói với CNBC trong chương trình “Squawk Box Châu Á” ngày 25/7.

“Đây không phải là đợt bùng phát có thể xem nhẹ. Điều thực sự đáng lo ngại là nó trở thành một loại virus đang lây lan ở Mỹ, cũng như ở nhiều các quốc gia khác. Với tất cả các bài học kinh nghiệm với đại dịch Covid-19, chúng ta không nên đối phó với sự bùng phát đậu mùa khỉ ở quy mô như hiện nay”, bà Madad nhấn mạnh.

Bà cũng cảnh báo, các nước vẫn chưa làm đủ để ngăn chặn đậu mùa khỉ trở thành đợt bùng phát lớn trên quy mô toàn cầu.

Số ca mắc ngày càng tăng

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết bệnh đậu khỉ có thể lây lan qua các giọt dịch đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp hoặc quan hệ tình dục. Virus cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, vết nhiễm trùng ngoài da cũng như các vật dụng bị nhiễm virus như ga trải giường và quần áo.

Theo bà Madad cho biết, dù nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nhưng virus đang bắt đầu lây lan ra cộng đồng rộng lớn hơn.

“Ví dụ, ở Mỹ, hai trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ do lây từ người sống cùng nhà bị mắc bệnh từ trước đó. Chúng tôi biết những trường hợp như vậy có thể đã bắt đầu gia tăng và sẽ xuất hiện nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng”, bà Madad nhận định.

Theo số liệu của WHO, cho tới nay đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 75 quốc gia và số ca nhiễm đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.

“Đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng và lây lan tới những quốc gia chưa từng ghi nhận loại virus này trước đây và đó là điều đáng lo ngại”, bà Poonam Khetrapal Singh Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á cho biết.

Bà Khetrapal Singh cho rằng, mặc dù nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở mức mức độ trung bình, nhưng khả năng lan rộng ra toàn cầu là có thật, bởi thế giới vẫn còn nhiều điều chưa biết về loại virus này.

“Chúng ta cần cảnh giác và chuẩn bị triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan rộng rãi của bệnh đậu mùa khỉ”, bà Khetrapal Singh nhấn mạnh.

Tranh cãi về vaccine đậu mùa khỉ

Theo CDC, Mỹ đã ghi nhận hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 44 bang, Washington D.C. và Puerto Rico.

Ngày 22/7, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng để đối phó với dịch đậu mùa khỉ đang gia tăng.

Theo bà Madad, cách tốt nhất để cắt đứt chuỗi lây truyền là tiêm vaccine cho những người có nguy cơ và có thể đã tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ.

 “Các loại vaccine đang được chuyển tới các vùng lãnh thổ, thành phố và tiểu bang. Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ có khoảng 1,6 triệu liều và đến giữa hoặc cuối năm 2023 chúng tôi sẽ có hàng triệu liều vaccine”, bà Madad cho biết nói.

Dù vậy, hiện nay WHO chưa khuyến cáo tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ do loại vaccine này chưa sẵn có. Một số quốc gia có dự trữ vaccine đậu mùa thế hệ một, hiệu quả khoảng 80% với bệnh đậu mùa khỉ, các vaccine thế hệ thứ 2-3 có số lượng rất hạn chế.

WHO cho rằng chỉ sử dụng vaccine trong trường hợp thực sự cần thiết, như trước phơi nhiễm hoặc sau khi phơi nhiễm cho nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, người tiếp xúc gần với bệnh nhân./.

VOV.VN

Related articles
Tổng thống Zelensky sa thải chỉ huy Lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Ukraine
Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 25/7 đã ký sắc lệnh sa thải ông Anatoliyovych Halahan - chỉ huy Lực lượng Hoạt động Đặc biệt (SOF) của nước này, đồng thời bổ nhiệm ông Viktor Oleksandrovych Khorenko thay thế.

(0) Comments
Focus
Phóng viên Báo Bình Thuận đoạt giải cuộc thi “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân”
BTO-Ngày 26/12 tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân” tại Hà Nội.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia cảnh báo các nước không nên chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ