Kinh tế tập thể nỗ lực vượt khó

20/07/2022, 05:29

Sau đại dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) cơ bản dần ổn định và có chiều hướng phát triển khả quan hơn. Các HTX nông nghiệp đã từng bước khắc phục những khó khăn, thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng vào sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác.

Các HTX nỗ lực

Thời gian qua, các HTX, Tổ hợp tác, Quỹ tín dụng (QTD) nhân dân đã có nhiều cố gắng vươn lên, có định hướng hoạt động đúng, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô vùng phù hợp quy hoạch của địa phương, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Các hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và chuyển đổi số được các HTX quan tâm nhiều hơn. Hầu hết các QTD nhân dân kinh doanh có lãi; cơ cấu cho vay của các QTD tập trung theo hướng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Việc sử dụng vốn tại các QTD nhân dân hiệu quả, an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho thành viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên và người dân.

z3527091917492_944db1c0d3ea9e830c56f01b8b0abd75.jpg
Các HTX cần liên kết sản xuất theo chuỗi.

6 tháng đầu năm 2022, do còn ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và tình hình thế giới phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nhất là phân bón, xăng dầu... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các HTX trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các HTX thuộc lĩnh vực vận tải và nông nghiệp. Hầu hết các HTX nông nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá nông sản đặc biệt là trái thanh long tươi có thời điểm xuống thấp thậm chí không bán được, người trồng thanh long thua lỗ, một số nhà vườn phải phá bỏ cây thanh long. Các hoạt động xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, Trung Quốc đóng cửa khẩu để kiểm soát dịch Covid-19...

img_0644.jpg
 HTX nông nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trái thanh long

Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ cả về thành viên và nguồn vốn, khả năng liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ - chế biến và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế. Hầu hết các HTX nông nghiệp chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã vận động thành lập mới HTX (nhằm để đáp ứng tiêu chí 13) nhưng chưa tuyên truyền, vận động, triển khai phương án sản xuất kinh doanh của HTX dẫn đến HTX hoạt động cầm chừng, chưa có hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Công tác phát triển thành viên của các HTX rất hạn chế, hầu hết các HTX không thu hút thêm thành viên mới.

Từng bước khẳng định vị thế

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh – cơ quan chuyên trách Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều lớp tập huấn Luật HTX và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác cho 400 học viên là đoàn viên, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp bằng mô hình HTX; tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 120 cán bộ quản lý, người lao động trong HTX... Ngoài ra, còn tổ chức cho các HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại các tỉnh, thành trong cả nước như: 3 HTX tham gia triển lãm, giới thiệu kết nối cung cầu tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; 3 HTX tham gia kết nối, quảng bá sản phẩm tại tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; 7 HTX kết nối mua bán sản phẩm với chuỗi cửa hàng nông sản sạch thuộc Công ty TNHH Toản Xuân, tỉnh Nam Định; 5 HTX tham gia kết nối cung cầu tại Tuyên Quang. Tổ chức cho 6 HTX tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại Coop-Expo 2022 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, đã tham mưu xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX... Đặc biệt, đã thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các ngành, địa phương đã hỗ trợ các HTX tham gia 4 dự án/kế hoạch cấp tỉnh và 7 dự án/kế hoạch cấp huyện theo chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...

Thời gian tới, để kinh tế tập thể từng bước khẳng định vị thế của mình, Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của KTTT, HTX đối với nền kinh tế. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị hiểu rõ Luật HTX, bản chất mô hình HTX kiểu mới, lợi ích của việc tham gia HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm củng cố niềm tin của thành viên, cộng đồng xã hội về mô hình HTX kiểu mới. Tại hội nghị sơ kết tình hình KTTT 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh nhiều vấn đề, trong đó yêu cầu các HTX, QTD trên địa bàn tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường nội lực, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, các HTX cần quan tâm liên kết sản xuất theo chuỗi, đa dạng ngành nghề, đối tượng để nâng cao chất lượng sản phẩm...

M. VÂN

Related articles
Tọa đàm “Giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 – 2025”
BTO-Chiều 28/6, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã tổ chức hội nghị Tọa đàm giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025. Tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình HTX kiểu mới sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế tập thể nỗ lực vượt khó