Trăn trở với y tế tỉnh nhà

20/07/2022, 05:21

Tuần qua, một trong những câu chuyện được dư luận cả nước quan tâm, đó là việc Bộ Chính trị điều động, phân công bà Đào Hồng Lan - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế. Thủ tướng cũng quyết định giao quyền Bộ trưởng Y tế đối với bà Đào Hồng Lan. Và không có gì trở ngại, sắp tới đây, bà Lan sẽ chính thức làm Bộ trưởng Bộ Y tế, chiếc ghế nóng nhất hiện nay.

Sau khi thông tin được công bố, với chuyên môn là thạc sĩ kinh tế, chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về ngành y, nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng bà Lan sẽ chèo lái con thuyền Bộ Y tế như thế nào, sau quá nhiều “lùm xùm” những năm gần đây, về chuyện đấu thầu thuốc và gần nhất là vụ kít test Việt Á, đã khiến không chỉ Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vướng vòng lao lý, mà hàng loạt cán bộ của bộ, giám đốc CDC các tỉnh bị bắt trong một đại án chưa có tiền lệ. Tuy nhiên không ít người kỳ vọng về một vị “thuyền trưởng y tế” đầu tiên không phải xuất thân từ ngành y sau 12 đời bộ trưởng, sẽ vực dậy “con tàu y tế” đang chìm bởi… “hoa hồng” của các pharma và chuyên môn y tế cơ sở thì thụt lùi, niềm tin của nhân dân với ngành y tế sa sút. Từ đó họ kỳ vọng về một làn gió mới, chí ít giải bài toán mang tên kinh tế: "Có thực mới vực được đạo", khi y, bác sĩ bệnh viện công tuyến cơ sở nhiều năm qua bỏ việc hàng loạt, vì lương không đủ sống diễn ra trên cả nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

z3577226139310_c20c4d619801d7abb2f5cd631a1a2ea5(1).jpg
Y, bác sĩ tỉnh nhà xả thân vì sức khỏe nhân dân trong đợt dịch năm 2021

Điều kỳ vọng này không phải là không có cơ sở, khi mà nhiều nước trên thế giới cũng đã thành công với những người đứng đầu không phải xuất thân từ chuyên môn, lĩnh vực mình lãnh đạo...

Câu chuyện của Bộ Y tế là câu chuyện chung của cả nước và y tế Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Trải qua 2 năm phòng, chống dịch, có thể nói ngành y tế Bình Thuận đã để lại sự tin yêu của nhân dân tỉnh nhà, qua những hình ảnh về sắc áo blouse trắng quên mình ngày đêm lăn xả vì sức khỏe của nhân dân. Điều đáng trân quý và tin tưởng hơn là cho đến thời điểm này, ngành y tế tỉnh nhà chưa “dính” vào hoa hồng của Việt Á như các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên sự trăn trở của nhân dân đối với ngành y tế của Bình Thuận không thể nói là không có. Điều dễ thấy nhất đó là các bệnh viện công chảy máu chất xám dẫn đến chuyên môn thụt lùi. Đơn cử như Bệnh viện đa khoa tỉnh, nơi được xem là trung tâm đầu não chăm sóc sức khỏe của nhân dân tỉnh nhà cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bác sĩ giỏi ra đi, đồng nghĩa với chuyên môn cùng với niềm tin của nhân dân đi xuống đối với ngành y tế địa phương là điều dễ hiểu. Để rồi hàng đêm, dòng người cứ theo những chuyến xe vào TP. HCM, với biết bao tốn kém, vất vả để đặt niềm tin cho sức khỏe của mình, dù cho bệnh tình thì cũng chẳng có gì, dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.

Có thể nói, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đảng ta cũng xác định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, mang lại lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội. Và hơn thế đó cũng là tính ưu việt, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước ta đang hướng đến.

Gần đây nhất, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định, để khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế ở tuyến cơ sở, thì việc thực hiện luân chuyển cán bộ, quy hoạch lại mạng lưới y tế, sắp xếp và bố trí cán bộ ở các tuyến, trong đó có việc: “Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới”. Đồng thời, chính sách đãi ngộ là một trong những giải pháp cần được xem xét cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, để cán bộ y tế yên tâm làm việc và cống hiến. Rõ nhất cho câu chuyện trên là gần đây mô hình của tỉnh Bình Dương, khi tháng 3 vừa qua, giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được tỉnh này bổ nhiệm kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Dương.

Từ thực trạng ngành y cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng, cần thiết phải xác định lại tầm quan trọng của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đối với tiến trình phát triển của đất nước và của Bình Thuận. Để từ đó đưa ngành y tế xứng với niềm tin, kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân tỉnh nhà, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

PHÚC SINH

Related articles
Bảo hiểm y tế - “Đóng góp khi lành, để dành khi ốm”
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở với y tế tỉnh nhà