Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) có trồng hơn 1 ha nhãn xuồng và các loại cây ăn trái khác như: mít, mãng cầu…Vào mùa cao điểm thu hoạch, trung bình mỗi ngày gia đình chị thu được gần cả tấn trái. Thế nhưng, cũng như bao người nông dân khác, chị Vân không tránh khỏi vòng xoáy luẩn quẩn “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây khi dịch Covid -19 bùng phát mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ các loại nông sản nói chung và nhãn xuồng nói riêng, dẫn đến giá bán nhãn tươi không ổn định, có những thời điểm, chính quyền địa phương phải vào cuộc, vận động hỗ trợ tiêu thụ.
“Cái khó của người nông dân mình là không chủ động được đầu ra nên bị phụ thuộc vào thương lái. Nhãn xuồng đến ngày thì phải thu hoạch, chưa được giá mà chín muốn rụng cả xuống gốc thì mình cũng phải bán. Nên chuyện bị ép giá là điều không thể tránh khỏi”, chị Vân chia sẻ.
Từ đó, chị Vân đã suy nghĩ phải có phương pháp để giúp cho trái cây không kịp bán tiêu thụ mà có thể giữ lại được trong một thời gian. Ý tưởng khởi nghiệp làm nhãn sấy của chị Vân từ đó ra đời. “Làm nhãn sấy chính là chìa khóa mở lối ra cho nhãn xuồng Thắng Hải. Cách làm này sẽ giúp cho tôi cũng như nhiều nông dân khác chủ động quyết định được giá trị sức lao động của mình thông qua giá trị của sản phẩm”, chị Vân nói.
Nghĩ là làm, năm 2021, chị Vân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để thực hiện ý tưởng làm nhãn sấy của mình. Theo đó, chị đã đặt tên cho sản phẩm của mình là “nhãn sấy Đông Vân”. Chị Vân cho biết, một mẻ sấy nhãn xuồng kéo dài trong khoảng 35 giờ, mỗi lần sấy được 100 kg nhãn tươi cho thành phẩm từ 20 - 25 kg nhãn khô còn vỏ. “Cách làm này đã giúp cho hơn 1 ha nhãn xuồng của gia đình tôi không phải nhờ đến sự hỗ trợ tiêu thụ, mà chín đến đâu cho thu hoạch đưa vào sấy đến đó. Không những vậy, tôi còn hỗ trợ sấy nhãn cho nhiều chị em phụ nữ trong địa phương khi vào cao điểm thu hoạch không tiêu thụ được”, chị Vân cho biết.
Cũng theo chị Vân, trong năm đầu tiên, chị đã cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn nhãn sấy, sản phẩm này chủ yếu bán sỉ cho tiểu thương ở một số chợ truyền thống trên địa bàn huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và các chợ giáp ranh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, thông qua người thân, chị Vân cũng đã ký gửi hàng chục kg nhãn sấy chào hàng ở thị trường Nhật Bản, Mỹ và Canada. Chị Vân dự kiến, từ năm thứ 2 trở đi, chị sẽ gia tăng sản lượng nhãn sấy thành phẩm thêm 500 kg, nhằm giảm bớt áp lực tiêu thụ nhãn tươi vào cao điểm thu hoạch rộ. “Hiện tại, giá bán nhãn sấy dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/ kg, thấp hơn các nơi khác 15.000 đồng/kg, nhờ có nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ, chất lượng tốt hơn và bảo đảm an toàn thực phẩm”, chị Vân cho hay.
Chị Đoàn Thị Sông Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân cho biết: Sản phẩm “nhãn sấy Đông Vân” của gia đình chị Vân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nằm trong vùng quy hoạch trồng nhãn của xã Thắng Hải có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bình Thuận. Hiện tại, chị Vân và một số hộ trồng nhãn có dự tính thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Hải, trong đó, hướng đến liên kết chuỗi cung ứng đầu vào và tìm đầu ra tiêu thụ các loại nông sản đặc thù tại địa phương.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đầu ra cho nông sản tươi chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Vậy nên, việc chế biến sâu, tìm ra những hướng đi mới dù còn khó tiếp cận thì vẫn là chìa khóa mở ra con đường thênh thang hơn cho nông sản và người trồng, mà chị Vân là người đang từng bước mở chìa khóa đó.