Ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phòng, chống thiên tai

06/07/2022, 04:59

Từ đầu năm 2022 đến nay, các loại hình thiên tai thường xảy ra tại Bình Thuận như mưa lớn, lốc sét làm chết người, gây thiệt hại nặng về dân sinh, kinh tế của nhân dân. Theo dự báo, tình hình thời tiết những tháng cuối năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do biến đổi khí hậu. Phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh xung quanh vấn đề này!

Chào ông! Ông đánh giá thế nào về tình hình thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay?

hung-tan.jpg
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh tuy không phức tạp nhưng rất khó lường; gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến khai thác hải sản và giao thông trên biển. Năm 2022, mùa mưa ở Bình Thuận đến sớm hơn mọi năm, từ cuối tháng 3 đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, từ giữa tháng 4 đến nay nhiều ngày có mưa to, đến rất to, tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đơn cử, trong tháng 2 và 3/2022, đã xảy ra mưa to kèm gió lốc xoáy, sét đánh ở Đức Linh và Tánh Linh, làm chết người, tốc mái nhà cửa, sản xuất nông nghiệp. Cuối tháng 3 xảy ra mưa lớn làm sạt lở đất cát tại 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, gây ách tắc giao thông tuyến đường ĐT 716. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 xảy ra mưa to gây ngập úng hơn 1.600 ha diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, ước thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông tuyến quốc lộ 28B Lương Sơn - Đại Ninh.

Từ ngày 20 - 22/5, trên địa bàn huyện Tánh Linh xảy ra mưa to, làm ngập lụt 50 căn nhà tại xã Bắc Ruộng, tốc mái 4 công trình phụ, làm ngập hơn 370 ha, chủ yếu là cây lúa mới gieo, sạt lở, gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng với giá trị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ước tổng giá trị thiệt hại trong 6 tháng đầu năm gần 5 tỷ đồng.

z3517132118810_cbfdac7eba9a7fa0262e8961796fbe53.jpg
Thiên tai gây tốc mái nhà dân

Dự báo xu hướng thiên tai trong năm 2022, nhất là những tháng cuối năm như thế nào? Thưa ông?

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến giữa tháng 12/2022, hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina. Trên khu vực biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4-6 cơn. Ngoài ra, sóng lớn, gió mạnh trên biển chủ yếu xảy ra vào thời kỳ từ tháng 7/2022 khi gió mùa tây nam bắt đầu hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh, những ngày gió mùa tây nam kết hợp với hoàn lưu của xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, ngoài khơi vùng biển Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý) gió tây nam mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 8. Biển động đến động mạnh.

Trong mùa mưa, dông sét thường xuyên xuất hiện, kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh, đặc biệt là ở khu vực vùng núi phía tây, tây nam tỉnh. Khu vực vùng biển Bình Thuận trong thời gian tháng 7 và 8/2022 xuất hiện 3 đợt triều cường. Gió mùa tây nam mạnh, kết hợp triều cường sẽ gây sóng lớn trên biển, sạt lở bờ biển tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân và Phú Quý.

z3435067323533_e5c29e2b32bbd4baa2ad96d18aa6c433.jpg
Vùng biển Bình Thuận

Để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của các hình thái thiên tai thời gian tới, những biện pháp nào để hạn chế tối đa thiệt hại? Thưa ông?

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương. Cần xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cụ thể, phân công, phân cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Song song, chủ động cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản bảo đảm an toàn trước, trong và sau thiên tai. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ. Trong đó ưu tiên bố trí về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc hiệu quả, đảm bảo tính chuyên nghiệp. Mặt khác, nắm chắc thông tin liên lạc, số lao động trên tàu, khu vực hoạt động để kiểm đếm, quản lý hiệu quả, phục vụ tốt công tác chỉ huy, ứng cứu, kêu gọi vào bờ khi có thiên tai, sự cố trên biển. Kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch sắp xếp neo đậu, kéo tàu thuyền lên bờ và di dời tàu thuyền khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.

z3207954990739_9683bd698861a997d9077dd4a08cb4b5.jpg
Công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai

Xin cảm ơn ông!

KIỀU HẰNG (THỰC HIỆN)

Related articles
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022
BTO - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh vừa có văn bản đề nghị giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai một số hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022, với chủ đề "Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai", đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Thời gian thực hiện trong tháng 5/2022.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phòng, chống thiên tai