Lo hơn...
Bình Thuận có tổng diện tích 7.828km2, trong đó có 192 km bờ biển, trải rộng trên 124 xã, phường của 10 huyện, thị, thành phố. Những năm qua cũng hứng chịu “cơn bão” sốt đất quét qua, mạnh nhất là ở các khu vực ven biển, ngoại thành Phan Thiết, thị xã La Gi và ở nơi ven biển khác. Cụ thể, phường Hàm Tiến, Mũi Né; xã Tiến Lợi, Tiến Thành ngoại ô Phan Thiết và xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình... Đây là những nơi có quỹ đất rộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp phù hợp cho phát triển du lịch biển. Nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng của những ông trùm “địa ốc” đã đầu tư ở đây nên giá đất cao, thậm chí hơn cả một số nước trên thế giới. “Đất ở Bình Thuận có nơi đắt hơn cả một số nước ở châu Âu”, cô Chương – một Việt kiều Bỉ đầu tư mua đất ở Hòa Thắng, huyện Bắc Bình xây nhà nghỉ dưỡng, trở về đây tránh cái lạnh khắc nghiệt mỗi mùa đông châu Âu chia sẻ.
Chính vì thế, nhiều người đổ xô về đây mua đất ở, đầu tư kinh doanh nhà nghỉ hoặc khách sạn, cho thuê, mua đi bán lại kiếm lời. Hình thành nên “đội quân cò đất” mua bán phức tạp; lấn chiếm đất Nhà nước, đất dự án, thậm chí lấn cả đất của các hộ khác mua bán bằng giấy tay; xây nhà ở trên đất nông nghiệp... “Một tháng chúng tôi nhận rất nhiều đơn khiếu nại về đất đai, trong đó có cả lấn chiếm đất của dự án... Địa bàn rộng, cán bộ, công chức xã mỏng nên theo dõi giám sát không xuể, có vụ mua bán, lấn chiếm xảy ra rồi mới biết”, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng - Đặng Huy Thông lo lắng về tình hình đất đai trên địa bàn.
Với phường Mũi Né và các xã, phường khác như Thiện Nghiệp, Tiến Thành không ngoại lệ. Tiến Lợi, một xã ngoại ô thành phố Phan Thiết cũng đang lo quản lý quỹ đất công, giải quyết các vấn đề lấn chiếm, tranh chấp đất. Những năm qua cũng như hiện nay, xã này đang “vật lộn” quản lý đất nghĩa địa “Chỉ cần lơ là theo dõi, giám sát, là người dân đến lấn chiếm buôn bán, để lại hậu quả về sau”, một cán bộ địa chính xã cho biết.
...và khổ hơn
Thực trạng trên, một phần do lực lượng làm công tác địa chính – xây dựng theo dõi mảng đất đai mỏng, chỉ với 2 người hoặc 3 người, ngang bằng các xã, phường khác không thuộc điểm nóng về đất đai, như các phường ở trung tâm thành phố Phan Thiết.
“Xã hiện có 2 công chức địa chính, trong đó một người chuyên giải quyết hồ sơ hành chính gồm cấp mới, cấp đổi, xác minh hiện trạng, phối hợp giải quyết hồ sơ hành chính... còn lại phụ trách lĩnh vực xây dựng đi kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm... Khổ nhất nạn lấn chiếm, mua bán giấy tay, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, quản lý không xuể mặc dù đi kiểm tra thường xuyên, bất kể ngày nghỉ...”, bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch UBND xã Tiến Lợi cho biết.
Không riêng xã Tiến Lợi mà nhiều xã vùng ven biển khác đang khổ với việc quản lý, xử lý đơn thư khiếu kiện, tranh chấp đất đai. Do nhân lực có hạn, trong khi địa bàn rộng và khối lượng công việc hành chính lớn. Do đó, để giảm tải áp lực cho các xã, phường này cần có cơ chế bố trí thêm nhân lực, đảm bảo cho họ quản lý đất đai tốt hơn... Được như vậy cũng sẽ giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai vốn nổi lên nhiều trong thời gian qua.