Sở Y tế cho biết, việc áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Việc tích hợp này giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh, các lần đi khám trước đó sẽ lưu lại thông tin trên máy, như là một hồ sơ bệnh án điện tử thu nhỏ. Đặc biệt việc áp dụng khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp sẽ góp phần chấm dứt tình trạng mượn thẻ BHYT đi khám bệnh để trục lợi quỹ BHYT. Việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt nếu được triển khai đồng bộ dữ liệu thông tin BHYT, người bệnh sẽ không cần mang nhiều giấy tờ, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục khám chữa bệnh BHYT, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh được tiết giảm tối đa.
Vì thế, ngay khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh công khai tại nơi tiếp đón ban đầu về việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng xây dựng kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, trang bị hệ thống quét mã QR thẻ CCCD để quét và tra cứu thông tin BHYT của người dùng, sẵn sàng cho việc tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD. Trường hợp người bệnh có CCCD đã được tích hợp thẻ BHYT qua tra cứu, thì những lần khám chữa bệnh sau chỉ cần đem theo CCCD là được. Nếu người bệnh có CCCD nhưng chưa tích hợp thẻ BHYT, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn thực hiện việc khám chữa bệnh theo quy trình hiện hành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số cơ sở khám chữa bệnh, khi nhân viên y tế quét mã QR của CCCD trên phần mềm “Giám định bảo hiểm xã hội” để tra cứu thông tin thẻ BHXH, thì có trường hợp gặp lỗi “không tìm được họ tên”. Tuy nhiên, khi nhập bằng tay mã số thẻ CCCD, họ tên người bệnh thì tra cứu được thông tin thẻ BHYT. Bên cạnh, đa số người bệnh có thẻ CCCD chưa tích hợp được thông tin BHYT và một số chưa làm thẻ CCCD, trong đó người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính chiếm đa số. Khi triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp (từ giữa tháng 3 đến nay), mới chỉ có một số ít trường hợp đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD thành công, vì phần lớn chưa tích hợp thông tin đầy đủ.
Còn theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến ngày 6/6/2022, toàn tỉnh có 434.158 trường hợp đồng bộ xác thực CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư với thẻ BHYT còn hiệu lực. Có 1.173 lượt tra cứu thẻ BHYT bằng CCCD với 409 lượt thành công tại 58 cơ sở KCB BHYT. Các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tiếp nhận bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD thông qua đầu đọc QR xuất hiện lỗi phông chữ nên không trả về được thông tin thẻ, ảnh hưởng quy trình tiếp nhận thông tin người dân khi tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp điện tử, Sở Y tế đã kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành để các cơ sở khám chữa bệnh tiến hành tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chip đi khám chữa bệnh BHYT. Sớm hoàn thiện việc tra cứu thông tin bằng quét mã QR thẻ CCCD để phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT trên phần mềm giám định bảo hiểm xã hội...