Dự án Quản lý rác thải nhựa Bình Thuận do Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP/GEF SGP) tài trợ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 3,3 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ từ Chương trình phát triển Liên hiệp quốc hơn 1,3 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong 2 năm (2020 - 2022) tại TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong và huyện Phú Quý. Trong đó, tập trung ở các địa điểm phát sinh nhiều rác thải nhựa như Cảng cá Phan Thiết, tuyến đường du lịch Nguyễn Đình Chiểu; Cảng cá Liên Hương, tuyến tàu du lịch từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra Hòn Cau; xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải.
Trong quá trình triển khai, dự án đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về quản lý rác thải, kỹ năng sử dụng và vận hành điều phối các phong trào giảm thiểu, không rác thải nhựa đại dương, tổ chức tập huấn tại 3 địa phương thực hiện sự án.
Đồng thời thành lâp các mô hình “Ngư dân và khách du lịch thực hiện phòng, chống rác thải nhựa đại dương”, “Tổ phụ nữ thu gom ve chai”, “Tổ phụ nữ làm phân compost”, “Tổ phụ nữ thu mua nhựa tái chế”. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ mua sắm túi đựng rác phân hủy sinh học, trang bị thùng rác tại nơi công cộng, tàu cá, các điểm du lịch, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong hoạt động, tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác thải dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư, ven biển và hình thành bãi rác xử lý tập trung…
Theo bà Lê Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Dự án Quản lý rác thải nhựa Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn phát sinh chất thải nhựa, từ việc nâng cao kiến thức, nhận thức, năng lực cho cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển nền kinh tế biển xanh.
Trong đó trọng tâm là thực hiện mục tiêu xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp đối với chất thải rắn, nhựa tại các địa bàn dân cư. Qua triển khai, bước đầu cộng đồng người dân, doanh nghiệp hoạt động ven biển và trên biển cùng chính quyền và các tổ chức xã hội đã nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Bên cạnh đó, các hoạt động của dự án đã có sự lan tỏa, một số địa phương ngoài vùng dự án đã tuyên truyền, vận động hộ gia đình hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại rác thải tại nhà, thành lập mô hình tổ/nhóm phụ nữ thu gom, mua ve chai bán lấy kinh phí hỗ trợ trẻ em và phụ nữ nghèo tại địa phương, đổi lấy cây xanh...