Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Thảo luận một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

25/05/2022, 14:28

BTO-Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Tham gia thảo luận ở Tổ 3 có đại biểu Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cùng các thành viên trong đoàn.

Dự thảo nghị quyết dự kiến bố cục gồm 10 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Có vị trí địa lý hết sức quan trọng trong mạng lưới giao thông đường bộ cũng như cảng quốc tế Cam Ranh, hệ thống cảng biển nước sâu, diện tích đường bờ biển dài nhất cả nước với 385 km, Khánh Hòa thực sự là trung tâm phát triển kinh tế biển trong khu vực Duyên hải miền Trung. Nghị quyết ban hành sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững.

2.jpeg
Đại biểu Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận.

Thảo luận các chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Đối với chính sách đặc thù về nuôi trồng hải sản, đại biểu Dương Văn An cho rằng, nhà nước có những chủ trương như khuyến khích đánh bắt xa bờ thay vì gần bờ để hạn chế vấn đề cạn kiệt nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ cũng như ô nhiễm môi trường. Kết hợp giữa đánh bắt và nuôi trồng, trong đó cần chú ý đẩy mạnh nuôi trồng để chủ động nguồn lợi thủy sản và tránh được vấn đề khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Trong nuôi trồng hải sản, cần chú trọng nuôi trồng xa bờ để đảm bảo môi trường gần bờ.

Tuy nhiên, đối với chính sách thuế, theo đại biểu Dương Văn An, nếu thực hiện những chính sách ưu đãi vượt các khuôn khổ quy định pháp luật về thuế, sẽ dẫn đến Nhà nước bảo hộ cho sản phẩm nuôi trồng hải sản của Khánh Hòa, có thể dẫn đến vi phạm các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại thế hệ mới, chẳng hạn như EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU) làm cho sản phẩm nuôi trồng hải sản Khánh Hòa có thể không gia nhập được thị trường thế giới. Do vậy, đại biểu Dương Văn An đề nghị cân nhắc chính sách thuế trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

11.jpeg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến tham gia ý kiến.

Xung quanh vấn đề tiềm năng lợi thế, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến nêu rõ, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đánh giá tất cả tiềm năng lợi thế của tỉnh hiện nay chưa được khai thác hợp lí, chưa phát huy hiệu quả và chưa tạo ra đột phá cho phát triển, chưa trở thành đô thị hạt nhân động lực phát triển và cửa ngõ chính ra biển Đông của cả khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, về tài chính, ngân sách cũng như chính sách phân cấp.

Để tạo động lực mới cho Khánh Hòa phát triển, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, việc phát triển kinh tế biển ở tỉnh Khánh Hòa không chỉ đại diện cho tỉnh mà còn là trung tâm phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy hải sản cho cả vùng duyên hải miền trung. Do vậy, cần cân nhắc thành lập Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ thủy hải sản vùng duyên hải miền trung tại Khánh Hòa.

Liên quan đến việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, đại biểu Yến đề nghị Chính phủ cần giải trình thêm lí do vì sao không sử dụng ngân sách của tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ cho quỹ. Đại biểu Yến lí giải, quỹ có mục tiêu rất quan trọng, đó là xây dựng tất cả công trình dân sinh, công trình thiết yếu phòng chống thiên tai, các hạng mục đầu tư để phát triển nghề cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá… chưa được nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ...

T.HÀ

Related articles
Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV:
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp, kinh tế - xã hội
BTO-Sáng nay (23/5), Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 3 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp; kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt, theo dõi hoạt động của kỳ họp, Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XV.

(0) Comments
Focus
Hoàn thành giải quyết hơn 8.800 hồ sơ tồn đọng nghĩa vụ tài chính về đất
BTO-Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến chiều 14/11, ngành thuế tỉnh đã giải quyết 100% hồ sơ tồn đọng nghĩa vụ từ đất trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/8/2024, tương đương 8.811 hồ sơ, số thuế thu nộp vào ngân sách hơn 88,4 tỷ đồng.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Thảo luận một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa