Vai trò của Trung tâm Logistics gắn liền với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái Thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

23/05/2022, 15:10

Ngày 19/5/2022 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh”. Đồng chủ trì Hội thảo có các lãnh đạo, đại biểu đến từ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam.

Tại Hội thảo, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã tham gia tham luận với chủ đề “Vai trò của Trung tâm Logistics gắn liền với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái Thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Sau đây là toàn văn bài tham luận của ông Hà Quốc Hùng, Tổng giám đốc Cảng:

ggg.jpg
Ông Hà Quốc Hùng - TGĐ Cảng Quốc Tế Vĩnh Tân.

Kính thưa: - Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban Ngành Nhà Nước

  • Các vị Đại biểu Quốc Hội khóa XV tỉnh Bình Thuận
  • Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ và Các Sở, Ban ngành tỉnh Bình Thuận

Thưa toàn thể các quý vị Đại biểu,

Trước hết, thay mặt Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, cho tôi bày tỏ niềm vinh dự và xin cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc Hội khóa XV tỉnh Bình Thuận và Ban tổ chức đã cho chúng tôi tham dự và có bài tham luận: “Vai trò của Trung tâm Logistics gắn liền với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái Thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” tại Hội thảo ngày hôm nay.

Thưa các quý vị đại biểu,

Thanh Long là mặt hàng trái cây chủ lực của tỉnh Bình Thuận;Theo số liệu thống kê Marketing chưa đầy đủ của chúng tôi thì tổng diện tích trồng thanh long toàn tỉnh khoảng 30,000ha trong đó mới có gần 10,000ha đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích tập trung tại Hàm Thuận Nam (12,500ha), Hàm Thuận Bắc (9,000ha) & Bắc Bình (4,000ha). Năng suất trung bình khoảng 28 tấn/ha và sản lượng dao động trong khoảng 840,000 tấn/năm.Hiện trong Tỉnh có khoảng 30 Cơ Sở thu mua, đóng gói Thanh Long và 60 Thương Gia nước ngoài nhập hàng trực tiếp; Thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thanh Long Bình Thuận là Trung Quốc (80%), kế tiếp là châu Âu (14%) và các thị trường khác như: Ấn Độ, Myanmar, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc , Mỹ vv…

Thanh Long Bình Thuận được xuất khẩu qua 2 đường :

  • Chính Ngạch : dùng container lạnh 40’ vận chuyển đường bộ về cảng Cát Lái Tp. HCM, sau đó lên tàu biển tới Bắc Kinh, Thượng Hải , Thâm Quyến và các nước châu Âu, Úc, Mỹ , vv …
  • Biên Mậu: dùng xe tải lạnh (tương đương container lạnh 40’) vận chuyển lên biên giới Việt – Trung (Móng Cái & Lạng Sơn); Hàng sẽ được sang container của thương lái Trung Quốc ngay tại cửa khẩu để vận chuyển vào tiêu thụ trong thị trường nội địa Trung Quốc.

Phân tích hiện trạng :

  • Trung bình hiện nay mỗi ngày Bình Thuận xuất đi, cả chính ngạch lẫn biên mậu & nội địa, khoảng 200 container, đều thông qua phương thức vận tải đường bộ về Cảng Cát Lái hoặc/và lên Biên Giới Việt Trung.
  • Giá vận chuyển trung bình 1 container lạnh 40’ (số liệu năm 2020) từ Bình Thuận về Cảng Cát Lái là 9 triệu đồng, lên cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái khỏang 60 triệu đồng/container.
  • Việc vận chuyển bằng đường bộ hiện nay tuy đắt đỏ nhưng thuận tiện và nhanh chóng, đặc biệt với hàng xuất khẩu chính ngạch. Riêng với hàng biên mậu, có rất nhiều rủi ro nếu ách tắc tại biên giới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid như tình hình tại cửa khẩu Tân Thanh / Lạng Sơn, Đông Hưng / Móng Cáitrong những năm qua. Nhằm hạn chế tối đa cho các đơn vị xuất khẩu trái thanh long vào thị trường Trung Quốc, Nhà Nước hiện đang khuyến khích các nhà xuất khẩu Việt Nam chuyển từ hình thức kinh Doanh hàng Biên Mậu sang xuất khẩu chính ngạch.
  • Hiện vẫn chưa có hàng xuất Thanh Long Bình Thuận qua Cảng Quốc tế Vĩnh tân vì chưa có tuyến container nội địa và quốc tế nào ghé vào Cảng. Một trong những nguyên nhân chính là các hãng tàu cần cân đối đủ lượng hàng xuất và nhập trước khi quyết định mở tuyến. Tại Cảng Quốc tế Vĩnh tân, ngoài nguồn hàng xuất khẩu tiềm năng là Thanh Long, Thủy Sản, Dệt May của Bình Thuận và số ít hàng Muối của Ninh Thuận, vẫn chưa có nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu bằng container phục vụ nhu cầu sản xuất tại các KCN tập trung.

Để giải bài toán nêu trên, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã liên kết với một đơn vị Logistics hàng đầu của Việt Nam để thành lập Công ty cổ phần Logistics Vĩnh Tân (VTLC) - đã khai trương Công ty vào ngày 22/02/2022 vừa qua, với trụ sở chính Công ty đặt tại văn phòng Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, nhằm mục đích thành lập Trung tâm Logistics gắn liền với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân; cung cấp chuỗi dịch vụ hậu cần- đặc biệt là hàng container cho các Doanh nghiệp làm hàng XNK tại khu vực Bình Thuận, Nam Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tuy nhiên, việc tổ chức công việc và dịch vụ này không hề đơn giản và chúng tôi phải đầu tư rất lớn, phải tổ chức chắp nối hàng loạt những dịch vụ phối hợp với nhau như sau:

  • Xây dựng bãi ICD, Kho làm hàng container CFS, lắp đặt máy chiếu xạ hàng thực phẩm, trái cây.
  • Ký hợp đồng mua chỗ (slot) cố định với các hãng tầu quốc tế để họ cung cấp container rỗng đóng hàng.
  • Tổ chức tuyến tầu chuyển tiếp (Feeder Container) nối giữa cảng Quốc tế Vĩnh Tân với Cảng Lạch Huyện / Hải Phòng để chuyển tiếp lên các tầu quốc tế – đối với hàng đi các cảng phía Bắc như Thiên Tân, Thượng Hải / Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản. Đối với hàng đi các nước Nam Á, Trung Đông, Châu Âu, chúng tôi phải tổ chức chuyển tiếp container hàng từ Cảng Vĩnh Tân đi Cảng trung chuyển tại khu vực Cái Mép – Thị vải để xếp lên các tầu Mẹ.
  • Đối với hoạt động thương mại theo hình thức Biên Mậu, chúng tôi chỉ có thể thực hiện được theo Phương án vận tải biển khi Cảng Vạn Ninh / Móng Cái hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác cảng này; trong tình huống này Cảng Quốc tế Vĩnh tân sẽ đầu tư thuê hoặc mua các container lạnh và tổ chức tuyến vận tải biển trực tiếp giữa Vĩnh Tân và cảng Vạn Ninh.

Trong phạm vi bản tham luận này, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân cũng xin tham mưu một số vấn đề như sau để các cơ sở / đơn vị sản xuất và kinh Doanh mặt hàng Thanh Long tham khảo:

  • Do việc kinh doanh trái Thanh long với thị trường Trung Quốc hiện nay theo hình thức Biên Mậu chứa đựng quá nhiều rủi ro: Phía nhập hàng đột nhiên đóng cửa biên giới; sức chứa các bãi lưu đậu Phương tiện chờ xuất tại các cửa khẩu có hạn, không có cơ sở hạ tầng cung cấp nguồn điện để đảm bảo cho container đông lạnh hoạt động trong thời gian lưu bãi; hạ tầng giao thông quá tải vv…; chúng ta nên có giải pháp hỗ trợ để hướng các hoạt động thương mại này sang hình thức Xuất Chính ngạch và vận chuyển hàng xuất bằng đường biển thay vì đường bộ như hiện nay.
  • Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay chúng ta còn thị trường Ấn Độ cũng đầy tiềm năng; và điều quan trọng nhất là Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) hiện nay đã mở tuyến dịch vụ vận tải container trực tiếp tới một số cảng của Ấn Độ; chúng tôi cho rằng việc xuất khẩu trái Thanh long bằng container sang Ấn Độ hiện nay là rất khả thi và thuận lợi.
  • Để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái Thanh long ra nước ngoài, Các Bộ Ban ngành của Nhà Nước như Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương nên thành lập các bộ phận chuyên ngành hỗ trợ và hướng dẫn các nhà sản xuất, các đơn vị xuất khẩu thực hiện / áp dụng các kỹ thuật công nghệ, các yêu cầu, tiêu chuẩn đang áp dụng tại các thị trường nhập khẩu khó tính nhất; chỉ có như vậy thì chúng ta mới tạo ra được hướng phát triển bền vững cho thị trường này.

Cuối cùng, chúng tôi cũng kiến nghị Tổng Cục Hải Quan có biện pháp hỗ trợ Cảng Quốc tế Vĩnh Tân - cảng biển nước sâu duy nhất hiện nay của tỉnh Bình Thuận, quy chế HẢI QUAN CỬA KHẨU CẢNG; có như vậy thì chúng ta mới giảm được các chi phí và thời gian làm thủ tục xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn.

QC

Related articles
NovaDreams cùng Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc vận hành Floria Water Park
Daemyung Sono Hotels & Resorts, một tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, phối hợp cùng NovaDreams quản lý công viên giải trí Florida Water Park tại NovaWorld Phan Thiet, hứa hẹn đưa tiện ích này trở thành điểm đến thu hút du khách.

(0) Comments
Focus
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:
Đề nghị xem xét bố trí ga Phan Rí tại huyện Bắc Bình là ga lưỡng dụng
BTO-Sáng nay 13/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận các nội dung: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò của Trung tâm Logistics gắn liền với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái Thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận