Thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị (khóa IX): Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội

12/05/2022, 05:09

Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề thách thức lớn của toàn xã hội, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Xác định rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường.

dsc_0419.jpg
Thanh niên tham gia dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ảnh: Đ.Hòa

Các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường

Nghị quyết số 41, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Đại hội X, Đảng ta tiếp tục đề ra các nhiệm vụ giải pháp bảo vệ môi trường như: Coi trọng việc thực hiện mục tiêu và giải pháp bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các hành vi hủy hoại hoặc gây ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp, cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là tập trung khắc phục nạn cháy rừng, ô nhiễm ở các khu vực sông, các đô thị và khu công nghiệp, làng nghề, nơi có đông dân cư và có nhiều hoạt động kinh tế. Xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Đại hội XI cũng đã đề ra công tác bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Đại hội XII, đề ra nhiệm vụ là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, khắc phục hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại. Hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu vực sông, khu vực cụm công nghiệp, khu đô thị. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị có mật độ dân cư cao. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường trong bối cảnh mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước bền vững, trong đó tập trung “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý hiệu quả về đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường. Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát tốt tác động môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải chi trả chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường, đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên môi trường có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho môi trường”.

Bình Thuận kiểm soát chặt chẽ vấn đề về môi trường

Thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu, ngăn chặn suy thoái các hệ sinh thái, suy giảm các loài và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương triển khai làm tốt công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường để nắm bắt kịp thời khắc phục những tác động xấu đến môi trường. Công tác quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước tại nhiều tuyến thuộc các khu đô thị và tiếp tục bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng thường xuyên ngập lụt sau mưa tại các khu phố trung tâm.

Để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh cho biết trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình các điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, các phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu sản xuất, làng nghề gắn với việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án từ khâu xem xét phê duyệt đến xây dựng và trong suốt quá trình hoạt động, kiên quyết không chấp thuận đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao nằm trong hoặc gần các khu dân cư, khu vực nhạy cảm về môi trường…            

THANH QUANG

Related articles
Cử tri kiến nghị giải pháp bình ổn vật tư nông nghiệp, đầu ra nông sản
BTO-Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3- Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 10/5 bà Bố Thị Xuân Linh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có buổi tiếp xúc với cử tri 2 xã Hải Ninh, Phan Điền (Bắc Bình).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị (khóa IX): Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội