Mặc dù từ ngày 15/3 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở cửa đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới, nhưng tình hình chung là lượng khách nước ngoài đến Việt Nam không nhiều. Nguyên nhân một phần do 2 năm qua dịch Covid-19 làm đứt gãy, tê liệt hoàn toàn chuỗi hoạt động đưa đón khách quốc tế, nên cần có thời gian để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không kết nối lại.
Một lý do nữa là thời gian qua lượng người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam khá nhiều, dù số tử vong giảm, nhưng cũng khiến khách quốc tế có phần e ngại, thận trọng khi chọn Việt Nam.
Thị trường khách quốc tế phục hồi chậm hơn so với mảng du lịch nội địa, là “kịch bản” đã được dự báo trước. Nhưng vẫn có yếu tố bất ngờ đó là cuộc chiến Nga -Ukraine nổ ra, khiến rất nhiều doanh nghiệp hụt hẫng. Việc mất hẳn nguồn khách Nga (một thị trường lớn của du lịch Việt Nam, chiếm 25% tổng lượng khách quốc tế trước khi có dịch) đã ảnh hưởng trực tiếp đến đà hồi phục của các địa phương thường đón nhiều khách Nga như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận… Chiến sự Nga - Ukraine còn diễn biến ác liệt và chưa biết kéo dài tới bao giờ? Thị trường khách Nga chưa biết bao giờ hồi phục?
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khách Nga chiếm doanh thu chủ yếu của nhiều cơ sở du lịch ở Mũi Né. Người Nga coi Mũi Né là “thiên đường nghỉ dưỡng” để đi tránh đông hàng năm. Nên khi Việt Nam mở cửa từ 15/3, Nga nằm trong số 13 nước được miễn thị thực tới Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp du lịch kỳ vọng hút khách Nga trở lại, nên đầu tư sửa chữa, tân trang cơ sở vật chất, nhưng kế hoạch không thành, các đoàn khách Nga đều hủy, hoãn chuyến, không đến nữa.
Không chỉ khách Nga mà nguồn khách châu Âu tới Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, do mức chi tiêu của du khách đã giảm vì suy thoái kinh tế.
Một thị trường lớn khác của du lịch Việt Nam trong đó có Bình Thuận là khách Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng, do Trung Quốc kiên trì áp dụng chính sách “zero covid” chặt chẽ. Cho đến nay Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero covid” và chưa biết sẽ kéo dài tới khi nào?
Có thể nói, sau một tháng rưỡi mở cửa đón khách quốc tế, không còn ai kỳ vọng rằng mở cửa là khách quốc tế sẽ tới ngay, tới đông nữa. Vì vậy, cùng với chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách nội, đang có xu hướng phục hồi tốt, các doanh nghiệp chờ đợi mùa cao điểm đón khách quốc tế vào cuối năm nay (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Chắc chắn rằng cùng với đà kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam sẽ có chính sách cởi mở, thông thoáng hơn về y tế, để khách yên tâm quay trở lại Việt Nam.
Ở Bình Thuận, doanh nghiệp làm du lịch - dịch vụ còn hy vọng việc hoàn thành tuyến cao tốc vào cuối năm nay sẽ đưa khách quốc tế đến khu du lịch quốc gia Mũi Né nhiều hơn nữa.