“Lá thắm sau mưa” còn ngưng đọng những hoài niệm đẹp

22/04/2022, 10:24

Hồi ấy, tôi được phân công biên tập chương trình Văn nghệ tổng hợp phát thanh, mỗi tuần 2 chương trình, mỗi chương trình 30 phút.

Chương trình quá “nặng” đối với một sinh viên mới ra trường bước vào nghề như tôi. Và, trong cái khó, ló cái khôn, tôi tìm đến những văn nghệ sĩ Bình Thuận để mời tham gia cộng tác, phần thì đỡ cho công việc của mình, phần để chương trình phong phú và hấp dẫn. Tôi với nhà thơ Đỗ Quang Vinh gặp nhau trong hoàn cảnh ấy. Gần gũi, nhiệt tình, tâm huyết và đam mê nghệ thuật là những gì tôi cảm nhận được từ ông. Hôm nay, được ông tặng tập thơ “Lá thắm sau mưa” đang còn thơm mùi mực mà lòng mừng thầm cho ông. Mừng vì những ấp ủ của ông bấy lâu nay từ khi xuất bản tập thơ thứ 4 nay đã thành hiện thực, mừng vì những cảm xúc trong ông về quê hương đất nước về thế thái nhân tình vẫn cháy mãi, chảy miết qua những trang thơ.

vinh.jpg
Nhà thơ Đỗ Quang Vinh.

Đỗ Quang Vinh (SN 1960) ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc. Từ nhỏ ông đã mang trong mình cái máu nghệ sĩ. Làm thơ, viết văn, âm nhạc ông đều tham gia với tất cả lòng nhiệt huyết. Niềm đam mê cùng với sự mày mò tự học hỏi đã giúp ông càng ngày càng trưởng thành trên con đường nghệ thuật. Đỗ Quang Vinh đã có thơ đăng báo từ năm 14 tuổi, và bài đầu tiên “Nguyện cầu” là mong ước của một cậu học sinh cho ngày thanh bình của quê hương, đất nước, được báo Điện Tín đăng tháng 2/1974.

Tập thơ “Lá thắm sau mưa” là thi phẩm thứ 5 của ông vừa ra mắt bạn đọc vào quý I/2022, do nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép. 40 bài thơ dài ngắn đan xen đề cập đến nhiều nội dung đa dạng thông qua lăng kính cái tôi, cái ta của tác giả được chuyển tải bằng mạch nguồn cảm xúc dồi dào, trải ra trên nhiều cung bậc khác nhau. Tác giả đã bước vào “lục thập…” nên chất tự sự, hoài niệm, sự chiêm nghiệm và độ dày trăn trở, lắng sâu hiện lên khá rõ nét trong nhiều bài thơ.

sach(1).jpg

Với thể thơ lục bát truyền thống, ông vẫn giữ nguyên phong độ sở trường và hoàn toàn làm chủ cảm xúc một cách hài hòa, nhuần nhuyễn:

Anh về thưa với cỏ cây
Bạc đầu mới hiểu đất dày bao nhiêu
Ngộ ra hai chữ tình yêu
Chỉ là hư ảo, mỹ miều, viển vông

Lối về


Từ một làn khói mỏng bắt gặp vô tình giữa lòng thành phố, ông có những câu thơ tưởng như bất chợt mà đủ sức chạm khẽ vào lòng những ai vốn xuất thân từ hương đồng cỏ nội đang vất vả mưu sinh nơi phố thị phồn hoa:

Khói quê bay giữa lòng thành phố
Mùi khoai lang nướng thả lên trời
Nhớ em quay quắt đồng chín rộ
Lúa vàng nước lũ cuốn ra khơi

Tết nhớ quê

Viết về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông có cách giãi bày bằng giọng điệu tâm tình, thủ thỉ nhưng ẩn chứa bên trong sự khẳng định mạnh mẽ chủ quyền bất di bất dịch:

Tổ quốc trường tồn dạy ta biết hy sinh
Nên lịch sử, dấu son hòa dấu máu
Khi anh nói với em về biển, đảo
Về Hoàng Sa và “gần lắm Trường Sa…”

Tổ quốc ở ngoài khơi

Đề cập đến sự giản dị tột cùng đã góp phần làm nên tầm vóc vĩ đại của Bác Hồ kính yêu hay xác tín vai trò quyết định của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc khi viết về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; ông đều có cách nói riêng, giàu hình ảnh và để lại ấn tượng khá sâu sắc:

Bên bếp lửa quê
thơm ngọn khói chiều
Bác sửa lại chỗ khăn quàng cho cụ già ấm cổ …
Bác ăn thật ngon một củ khoai lùi
Còn bốc khói và thoảng mùi rơm rạ…

Bác đã về

Còn đây là những dòng thơ ông viết về vị tướng huyền thoại - người học trò xuất sắc của Bác Hồ, luôn sống mãi giữa lòng dân tộc:
Mọi lý thuyết dông dài khi nói tới nhân dân
Bỗng lạc lõng và trở thành vô nghĩa
Khi đại tướng trở về bên Bác
Ta mới hiểu nhân dân kỳ diệu biết chừng nào.
Đại tướng giữa lòng dân
“Trước mộ Nguyễn Thông” là bài thơ dài nhất trong tập, bộc lộ sự lao động nghệ thuật công phu, nghiêm túc rất đáng trân trọng của tác giả đối với nhà thơ yêu nước giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX của nước ta. Qua bài thơ, ta hiểu thêm nỗi ưu thời mẫn thế của vị quan tài đức, thanh liêm luôn đau đáu một tấm lòng vì dân vì nước:

Cuối cùng hóa thân thành Kỳ Xuyên lão nhân -
Làm ông già quê mùa trên đất Kỳ Sơn
Rồi giấu mình trong Ngọa Du sào
Chuyện nhân tình thế thái từ nay…
Mảng thơ tình trong tập chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng cũng không hiếm những câu thơ hay, dễ tạo được sự đồng cảm và sẽ còn ở lại bền lâu trong trí nhớ người đọc. Dưới đây là một vài dẫn chứng:
Biển dài gấp vạn lần sông
Cũng không bằng nỗi chờ mong hai người
Em xa
Trong dàn đồng ca hát về lầm lạc
Anh là người lĩnh xướng kém thông minh
Ngộ nhận
Người ta thường nói: “Văn học là nhân học” có lẽ đúng. Một con người cần mẫn, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Với đời sống thường ngày, ông hòa đồng gần gũi, ông khiêm tốn và bình dị. Với gia đình, ông là người con hiếu thảo, cha mẫu mực, một người chồng thủy chung. Tất cả những tính cách ấy, phẩm chất ấy nếu để ý, nó đều hiển hiện trong những tác phẩm của ông từ trong thi ca lẫn trong âm nhạc. Với một bài viết khá khiêm tốn này, có lẽ khó nói hết được những gì mà Đỗ Quang Vinh thể hiện qua tập thơ “Lá thắm sau mưa”, càng không thể nói hết những gì mà ông đã cống hiến cho văn học nghệ thuật Bình Thuận.
Tôi xin được mượn khổ cuối trong bài thơ “Giậu mồng tơi Nguyễn Bính” của tác giả để khép lại bài viết này:
Đến bây giờ, anh vẫn cô đơn
Có lẽ còn cô đơn hơn nhân vật chính
trong thơ Nguyễn Bính
Nên cái giậu mồng tơi trước nhà anh
vẫn cứ xanh một màu xanh bịn rịn
Em rạng ngời như lá thắm sau mưa…

NGỌC TỴ

Related articles
Chuông đồng của thủy quân Bình Thuận triều vua Tự Đức
Năm 1980, một nhà sưu tầm cổ vật ở Hà Nội mua lại chiếc chuông đồng của người dân chài tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Nghệ thuật Ánh Dương Hà Nội. Căn cứ theo nội dung minh văn khắc trên chuông, các nhà khoa học tạm gọi là chuông đồng “Bình Thuận thủy vệ”. Chuông có chiều cao 67,5 cm, đường kính miệng 47,5 cm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Lá thắm sau mưa” còn ngưng đọng những hoài niệm đẹp