Hoạt động thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc: Chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch

21/04/2022, 05:43

Kể từ sau khi thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) lớn và quan trọng nhất của Việt Nam. Đến nay tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu nông thủy sản chiếm khoảng 23,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc, chiếm 25,14% trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thế giới.

dsc_0583.jpg
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Đ.Hòa

Tăng hiệu suất thông quan xuất khẩu nông sản

Phải khẳng định rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh và ổn định. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, hàng hóa qua biên giới gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, hai bên đã khẩn trương phối hợp xử lý, thông quan tại một số cặp chợ biên giới. Bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét thống nhất các biện pháp tăng cường kiểm soát hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở chuyên dụng để tăng hiệu suất thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản hai bên, tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đối với thị trường thanh long Bình Thuận được tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% dành cho xuất khẩu, trong số đó xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm khoảng 2 - 3%, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu. Vào thời điểm cuối năm 2021, các đường tiểu ngạch của thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thanh long làm nhiều nhà vườn điêu đứng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã đề nghị bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ Bình Thuận trong xúc tiến tiêu thụ xuất khẩu riêng mặt hàng thanh long qua các thị trường bằng hình thức chính ngạch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Trước việc tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho trái thanh long.

Tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro

Tuy nhiên, hoạt động thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc hiện còn có một số vấn đề cần phải quan tâm đó là, trước năm 2018, hình thức xuất khẩu tiểu ngạch thủ tục đơn giản, ít chịu các biện pháp kiểm dịch khắt khe, không bị áp thuế nhập khẩu mà chỉ chịu các loại phí biên mậu, nên chi phí thấp, tuy nhiên, hình thức xuất tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro, chất lượng hàng hóa nông sản khó kiểm soát, năng lực cạnh tranh thấp. Từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc còn đẩy mạnh công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch và quản lý chất lượng hàng nông sản, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu và hoạt động trao đổi cư dân biên giới. Ban hành nhiều chính sách mới, siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động thương mại biên giới, đặc biệt là nhập khẩu theo hình thức trao đổi hàng hóa - cư dân biên giới. Bên cạnh đó, vấn đề mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do phụ thuộc vào các quy định và sự hợp tác của phía Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc thường có quy mô rất lớn và thường nắm các kênh phân phối chính, nên các doanh nghiệp của tỉnh khi thâm nhập thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, công tác đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Trung Quốc diễn ra chậm, kéo dài… Trong bối cảnh thương mại, đầu tư quốc tế và khu vực có nhiều biến động, diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại nông sản tiếp tục vào được thị trường Trung Quốc, đòi hỏi phải tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động thu mua nông sản, nguyên liệu đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý theo hướng xuất khẩu chính ngạch. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại nông sản do Trung Quốc tổ chức. Hỗ trợ thông tin kết hợp với bồi dưỡng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ thay đổi thói quen giao dịch, hướng tới sử dụng các hình thức giao dịch theo thông lệ thương mại quốc tế. Để làm được việc đó, Sở Công Thương cho biết phải đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, nhất là mặt hàng thanh long. Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác giao thương, kết nối cung, cầu với các tỉnh, thành phố để tăng cường tiêu thụ thị trường nội địa. Tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chế biến từ quả thanh long để giảm bớt áp lực tiêu thụ quả thanh long tươi. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương sẽ thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình mua bán, hoạt động thông quan nông sản hàng hóa tại các cửa khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro…

THANH QUANG

Related articles
Đìu hiu mùa điều
Những ngày tháng 4 này ở Hàm Tân nhiều nông dân buồn vì điều thất mùa. Những người trồng nói rằng, đầu năm mùa điều ra bông gặp vài cơn mưa trái mùa nặng hạt, cùng với nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm cho nhiều vườn điều ở các nơi trong huyện khô bông, rụng trái non. Vậy là năm thứ 3 liên tiếp điều thất bát.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc: Chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch