Sách - sứ mệnh phát triển văn hóa đọc

14/04/2022, 05:57

Sự phát triển và bùng nổ thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện đại ngày càng tác động mạnh mẽ đến văn hóa, đời sống của con người, đặc biệt thói quen đọc ngày càng mất đi và thời gian dành cho những quyển sách cũng trở nên hạn hẹp hơn. Làm gì để xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ đang là đòi hỏi bức thiết, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.

Tại sao giới trẻ thờ ơ với sách?

Sách từ lâu đã trở thành một biểu tượng giá trị mang lại cho con người nguồn tri thức vô tận. Thế nhưng, thói quen đọc sách in của mọi người, nhất là giới trẻ, bị thách thức bởi sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật số, cùng với sự ra đời của các trang mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ mê mải với những ứng dụng mới mẻ trên các thiết bị hiện đại, khiến thời gian đọc sách dần thu hẹp lại, thậm chí thói quen đọc sách in không còn. Nhiều bạn không ngần ngại chia sẻ: Trong thời đại mới, cuộc sống vội vàng, hối hả hơn, lượng thông tin cũng ngập tràn, căng cứng. Muốn tra cứu vấn đề gì đều có thể gõ google. Thậm chí chỉ cần lướt facebook, zalo cũng đã cập nhật được. Đọc truyện thì chỉ cần bật lên nghe nếu kích chuột vào phần nghe kể chuyện.

doc-sach-th-xuan-an.jpg
Học sinh đọc sách tại thư viện Trường tiểu học Xuân An (ảnh tư liệu).

Trong nhiều lần vào Thư viện tỉnh, giữa không gian thoáng đãng, sách báo được sắp xếp ngăn nắp trên từng kệ và nhân viên thủ thư luôn túc trực, hình ảnh thấy thường xuyên nhất vẫn là những cụ già tuổi ngoài thất thập tới đọc báo, tìm sách. Hoạt động “nhộn nhịp” nhất mỗi năm của Thư viện tỉnh có lẽ là trong dịp nghỉ hè, các em lên phòng sách, sau khi tham gia các trò chơi, chương trình mà đơn vị tổ chức. Ông Nguyễn Hồng (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) ngậm ngùi nói: Cha mẹ cho con sử dụng tivi, thậm chí khi đi chơi cũng giao cho chiếc điện thoại, Ipad thì làm sao đứa trẻ còn thích sách nữa. Nhiều gia đình cũng thấy bố trí các kệ sách, mua sách cho con, nhưng khi khuyên con đọc sách, bố mẹ lại chẳng bao giờ thấy động đến cuốn nào thì đứa trẻ nhìn đó mà học theo, làm theo.

Còn ở các trường học, mặc dù đều có phòng thư viện, nhưng đa số chưa được đầu tư tương xứng và quan tâm đúng mức. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Bắc Bình chia sẻ: Góc thư viện được bố trí ở nơi thuận lợi để phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh. Tuy nhiên số lượng sách, truyện được bổ sung mới hàng năm còn hạn chế, do nguồn kinh phí ít. Mấy năm trước còn được nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhưng 2 năm gần đây hầu như không còn.

image-05-07-20-06-36.jpeg

Thực tế trên địa bàn tỉnh cũng đang rất thiếu và chưa có sự đa dạng về không gian đọc sách. Ngoài hệ thống thư viện tại các trường học, phòng đọc sách tại Thư viện tỉnh, gần như không có quán cà phê sách hay không gian đọc bảo đảm tiêu chí hiện đại, sáng tạo, tiện ích cho người dân. Hiện có 2 nhà sách là Phương Nam và Fahasa có số lượng đầu sách mới được cập nhật thường xuyên và cho ngồi đọc tại chỗ, nhưng lại nằm ở khu vực trung tâm TP. Phan Thiết, gây khó khăn cho người dân sống ở khu vực xa hơn có nhu cầu tìm đọc. Điều này vô hình trung tạo sự nhàm chán và không kích thích hứng thú cho người đọc, nhất là với giới trẻ.

Xây dựng văn hóa đọc

Dù hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiện lợi, song vẫn không thể thay thế được sách, việc đọc sách rất cần thiết và quan trọng, nhất là đối với các em, lứa tuổi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Sách đồng hành với các em trong cả giờ học và ngoài cuộc sống.

Một trong những tín hiệu khá mạnh cho thấy văn hóa đọc thời đại 4.0 đang phát triển, đó là việc xuất hiện các diễn đàn đọc sách, giới thiệu, review sách trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Blog. Bên cạnh đó, hiện nay trên internet có nhiều diễn đàn đọc sách thu hút nhiều công chúng như: Docsachonline.vn, bookhunterclup.com, sachvui.com, tramdoc.vn… Sự xuất hiện của một số diễn đàn “Đọc sách cùng con”, quan điểm mừng tuổi, tặng quà bằng sách thay cho tặng phẩm khác cũng có tác động đến nhận thức của cộng đồng đối với sách.

Đồng hành cùng với các trường học, Thư viện tỉnh đã tích cực xây dựng, đổi mới hoạt động mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của thư viện trong sự phát triển của văn hóa đọc. Thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức bố trí, sắp xếp kho tư liệu cho các thư viện cơ sở. Năm 2021, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 4.200 bản sách cho thư viện huyện và thư viện trường học. Phục vụ xe ô tô thư viện lưu động tại 26 điểm trường học. Đồng thời triển khai số hóa nhiều tài liệu, cấp thẻ qua mạng cho người đọc…

img_9476.jpg

Với thông điệp đọc sách nâng cao tri thức, khuyến đọc để khuyến học, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 được lấy chủ đề “Sách - sứ mệnh phát triển văn hóa đọc”, sẽ diễn ra từ ngày 16 – 18/4, gồm nhiều hoạt động tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong đó có trưng bày gian hàng giới thiệu sách, báo và tạp chí phản ánh tình hình phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà, sách thiếu nhi, ngoại văn, tổ chức trò chơi từ sách… được bố trí tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và Nhà Thiếu nhi Bình Thuận. Đây được xem là những cách góp phần khơi dậy niềm hứng thú, yêu thích đọc sách cho mỗi học sinh, dần hình thành văn hóa đọc ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

dscn8514.jpg
Những chuyến xe lưu động đưa sách về cơ sở của Thư viện tỉnh (ảnh tư liệu)

THUỲ LINH

Related articles
Lan tỏa văn hóa đọc truyền thống
Sách không chỉ là kho tàng kiến thức mà còn là kho của cải vô tận. Chỉ với những trang sách đó, thế hệ sau mới hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, từ đó kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách - sứ mệnh phát triển văn hóa đọc