“Làm mới” du lịch sau đại dịch

28/03/2022, 05:58

Sau khi mở cửa trở lại trong giai đoạn bình thường mới, du lịch Bình Thuận đã chủ động triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, ngành “công nghiệp không khói” của địa phương cũng phải cạnh tranh với các điểm đến khác để tạo sức hút du khách thời hậu đại dịch…

Tạo sự kiện

Khi Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường biển (từ giữa tháng 3/2022), nhiều địa phương đã tưng bừng tổ chức các hoạt động hút khách. Có thể kể đến lễ hội khinh khí cầu, một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hà Nội 2022”. Ở Hội An cũng vừa diễn ra lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 có chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến Du lịch Xanh” với nhiều hoạt động bề nổi.

image.png

Tại Đà Nẵng, mới đây chính quyền thành phố này đã xây dựng và triển khai phương án đưa hoạt động du lịch trở lại với thông điệp “Đà Nẵng sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch”. Theo đó trong năm 2022 sẽ tập trung tổ chức những sự kiện có quy mô lớn: Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng, cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Tuần lễ Du lịch Golf Đà Nẵng... Theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức “Tuần lễ vàng du lịch năm 2022” với chủ đề “Đà Lạt - Thiên đường nghỉ dưỡng” vào cuối tháng 4 tới đây. Trong khi đó, Khánh Hòa dự kiến tổ chức gần 100 hoạt động, sự kiện gắn với những thời điểm quan trọng và phù hợp tình hình địa phương vào dịp lễ 30/4 - 1/5, du lịch hè 2022, đón chào năm mới 2023.

Không khó nhận ra nỗ lực tạo sự kiện của các địa phương có thế mạnh về du lịch là tăng cường quảng bá hình ảnh, nâng cao sức cạnh tranh hút khách, góp phần thúc đẩy phục hồi hoạt động sau thời gian ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Bởi dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng kể từ cuối năm qua, du lịch Việt Nam đã cho thấy tín hiệu khởi sắc khi đón lượng khách nội địa lẫn quốc tế dần tăng trở lại. Ngành du lịch Việt Nam vẫn vươn lên trở thành điểm đến hàng đầu châu Á năm 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của World Travel Awards… Chính vì vậy vào thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đẩy mạnh xúc tiến quảng bá bằng những sự kiện ấn tượng để thu hút đông đảo các đối tượng du khách, tiến tới hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cần “làm mới”…

Riêng với Bình Thuận, đại dịch bùng phát trong thời gian qua cũng tác động tiêu cực đến toàn ngành, khiến 2 chỉ tiêu chủ yếu là đón lượng khách và doanh thu từ du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Bước vào giai đoạn bình thường mới với các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, du lịch tỉnh nhà đã mạnh dạn đặt mục tiêu khá cao trong năm 2022. Cụ thể: Đón 4.450.000 lượt khách, tăng 2,5 lần (trong đó khách quốc tế là 210.000 lượt, tăng 9,3 lần) và tổng thu từ du khách đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2020.

image-1-.png

Thế nhưng trước tình hình các điểm đến đều gia tăng sức cạnh tranh như hiện nay, du lịch Bình Thuận cần chủ động “làm mới” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hút khách nội địa lẫn quốc tế. Trong đó quan tâm phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và tăng cường kết nối liên ngành, liên vùng tạo sự phong phú nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng của từng vùng. Cùng với đó đẩy mạnh xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận ra bên ngoài, đặc biệt là phối hợp tổ chức nhiều sự kiện điểm nhấn mang tầm quốc gia và quốc tế, tạo tiếng vang cho điểm đến “biển xanh - cát trắng - nắng vàng”…

Hiện UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10 - 12%) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, còn đến năm 2030 đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 15 - 20%) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng… Thế nên bên cạnh nỗ lực xây dựng hình ảnh “an toàn - thân thiện - chất lượng” thì việc “làm mới” du lịch Bình Thuận cũng phải tính đến với những giải pháp phù hợp điều kiện địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực.

Triển khai thực hiện phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy sẽ giúp du lịch Bình Thuận sớm phục hồi sau đại dịch, ổn định và vươn lên xứng tầm. Thông qua đó cũng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, lạ thu hút các đối tượng du khách như: Casino, du lịch sinh thái nhà vườn, du lịch khám phá thác - hồ - đồi cát... cùng với phát triển trung tâm mua sắm, bến du thuyền trên khắp địa bàn tỉnh.

Đ.QUỐC

Related articles
Du lịch Bình Thuận: Khắc phục những điểm yếu để thu hút khách
Ô nhiễm môi trường, tiếng ồn; thiếu nhà vệ sinh công cộng; bãi biển bị xâm thực, bẫy tôm hùm... là những vấn đề tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút khách quốc tế, phát triển du lịch của tỉnh.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Làm mới” du lịch sau đại dịch