Ảnh hưởng sức khỏe do “bí quyết” truyền miệng

04/03/2022, 09:21

Sau tết vài ngày, thường xuyên xuất hiện những cơn đau bụng, buồn nôn, chán ăn và khó ngủ, anh Xà Vương (Hàm Thuận Nam) lo lắng tới bệnh viện huyện khám, bác sĩ phát hiện dạ dày anh có tổn thương và kê đơn thuốc cho về nhà uống.

thuoc.jpg
Dùng thuốc cùng với rượu, bia sẽ nguy hiểm.

Qua một tuần uống thuốc điều trị anh thấy người khỏe lại, nhưng về nhà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện cơn đau bụng. Để yên tâm cho sức khỏe của mình, mới đây anh vào một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để thăm khám. Tại đây, qua các kết quả xét nghiệm cộng với tiền sử bệnh đau dạ dày lâu nay của anh, bác sĩ bệnh viện nhận định nguyên nhân chính khiến anh bị loét dạ dày khá nặng là do anh sử dụng thuốc giảm đau. Từ đây anh Vương mới biết suốt thời gian qua, anh hay uống viên aspirin và thỉnh thoảng uống chút dầu ăn theo lời chỉ bày “bí quyết” truyền miệng của bạn bè để khỏi say trước khi uống rượu, cũng như để tăng thêm tửu lượng, nhưng anh không ngờ lại có hại cho sức khỏe như vậy.

Nhân đây, bác sĩ cũng khuyến cáo với những người thường xuyên uống rượu, bia như anh Vương nên thận trọng những “bí quyết” này, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì những cách làm trên không hề có tác dụng chống say rượu, bia mà còn tác hại với sức khỏe. Bởi thuốc paracetamol là một loại thuốc có độc tính trên gan, do đó nếu trước khi uống rượu, bia mà uống thêm paracetamol sẽ làm cho gan bị tổn thương và ngộ độc. Còn đối với aspirin, mặc dù không gây trực tiếp đến gan nhưng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét dạ dày tá tràng, thậm chí nặng hơn là gây xuất huyết dạ dày tá tràng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng.

Với lại việc uống dầu ăn cũng không có tác dụng làm tăng tửu lượng, ngược lại còn gây ra tình trạng khó tiêu và rối loạn tiêu hóa vì dầu ăn làm thức ăn di chuyển xuống ruột chậm lại và nằm ở dạ dày, nên người uống ngộ nhận không say. Tuy nhiên khi tất cả lượng thức ăn này đi xuống ruột thì một lượng lớn rượu, bia sẽ được hấp thu, dẫn đến say rượu ngay và thậm chí có thể gây ra ngộ độc rượu. Bác sĩ cũng chia sẻ cho anh Vương biết thêm rằng, người say rượu, bia không nên uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu, bia và cũng không nên uống thêm vitamin B1, B6… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Khi bị say rượu, bia cần uống nhiều nước ấm để không bị mất nước khi bị nôn liên tục hoặc có thể dùng các loại nước như nước mía, nước chanh, cam vắt, nước ép bưởi… uống nhiều lần sẽ giải được tình trạng say rượu, bia dạng nhẹ và đặc biệt người bị say rượu, bia không nên tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Bên cạnh, người nhà thấy người thân bị say rượu, cần kê gối thấp cho nằm nhằm làm nôn hết rượu, bia ra. Sau đó, để người say ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết, gây nguy hiểm.

P.N

Related articles
Khẩn trương, thần tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân.
BTO-Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đến Sở Y tế tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố tại văn bản 605 được ban hành vào sáng ngày 3/3.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ảnh hưởng sức khỏe do “bí quyết” truyền miệng