Xác định “điểm nóng” để bảo vệ rừng

02/03/2022, 05:51

Công tác triển khai các biện pháp bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, từng bước nâng cao diện tích, độ che phủ rừng toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phá rừng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yếu tố phức tạp.

dscn4564.jpg
Lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng.

Chống phá rừng có chuyển biến

Năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid -19 bùng phát và diễn biến phức tạp, song lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã được quán triệt và phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, kế thừa những giải pháp tích cực, có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở những năm trước đây. Đồng thời chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế của địa phương, kịp thời tham mưu cho UBND các cấp và khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu được ngành và UBND tỉnh giao... Nhờ vậy đã kiểm soát được tình hình, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, cháy rừng đều giảm so năm 2020 và không để xảy ra các điểm nóng phá rừng. Trong năm 2021, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện là 270 vụ (giảm 5 vụ so năm 2020), lâm sản tịch thu 254,17 m3 gỗ các loại, đã và đang xử lý vi phạm hành chính 264 vụ, khởi tố hình sự: 6 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là hơn 1,9 tỷ đồng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống lấn, chiếm đất rừng, chống người thi hành công vụ. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét các khu vực trọng điểm về phá rừng, lấn, chiếm đất rừng nhất là trong đợt cao điểm, dịp lễ, tết và trong tình hình giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Chú trọng theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và các vùng trọng điểm nội tỉnh, qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Việc triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao năng lực giám sát, kịp thời cập nhật sự thay đổi rừng và đất rừng, phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp; trực tiếp là phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của tỉnh.

Xác định điểm nóng

Có thể nói, công tác triển khai các biện pháp bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, từng bước nâng cao diện tích, độ che phủ rừng toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phá rừng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung xác định được một số điểm, khu vực có khả năng xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể toàn bộ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh trừ huyện đảo Phú Quý đều xác định các địa điểm cần tập trung công tác chống phá rừng, đặc biệt là các khu rừng có trữ lượng và giá trị kinh tế cao nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại huyện Tuy Phong giáp ranh huyện Bắc Bình (thuộc các tiểu khu 12, 13, 15, 22); giáp ranh huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng (thuộc các tiểu khu 3, 4, 5, 6); giáp ranh huyện Ninh Sơn, huyện Thuận Nam - tỉnh Ninh Thuận (thuộc các tiểu khu 18, 19, 20). Trong đó chú ý ngăn ngừa lấn, chiếm đất lâm nghiệp khu vực Láng Lớn, Cây Cóc, Hòn Thủ và các hoạt động đào bới, mua bán gốc cây rừng tự nhiên làm cây cảnh, đồ mộc mỹ nghệ. Tại huyện Bắc Bình cần chú ý thường xuyên theo dõi, xử lý kiên quyết tình hình mua bán lâm sản trái pháp luật do các đối tượng khai thác lâm sản tuyến vùng nội huyện, sử dụng phương tiện xe cải tiến, xe máy độ chế vào khai thác vận chuyển về các địa phương như các xã Sông Lũy, Bình Tân, Phan Hòa, Hải Ninh để tiêu thụ hoặc bán lại cho các cơ sở chế biến lâm sản. Đáng chú ý là khu vực vùng giáp ranh, lâm tặc thường vào khu vực rừng Bắc Bình khai thác, vận chuyển về xã Tà Năng, Đà Loan, Ninh Loan (Lâm Đồng) tiêu thụ...

Với quyết tâm bảo vệ, phát triển diện tích rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các ngành, địa phương đã xây dựng nhiều kế hoạch, giải pháp để đấu tranh với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, việc bố trí lực lượng kiểm tra, truy quét chống phá rừng phải bảo đảm yếu tố chủ động, bí mật, bất ngờ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chủ quản với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã của tỉnh bạn giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Bố trí đội ngũ kiểm lâm địa bàn tăng cường đến các xã trọng điểm phá rừng; phối hợp cùng chủ rừng và địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng, phát hiện và xử lý tình trạng đưa các loại phương tiện xe ô tô hoán cải, xe mô tô độ chế vào rừng để vận chuyển gỗ trái phép ở các vùng giáp ranh của tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để xử lý theo quy định của pháp luật.

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Nạn rải tờ rơi cho vay tiền tái diễn
Nạn rải tờ rơi trên các tuyến đường, ngã tư hoặc dán trên bờ tường, gốc cây... hầu như không xuất hiện trong năm qua nhưng nay lại tái xuất trong khu dân cư.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xác định “điểm nóng” để bảo vệ rừng