Hậu COVID có thực sự nguy hiểm?

24/02/2022, 08:30

Các bác sĩ điều trị COVID-19 đã có câu trả lời cụ thể cho vấn đề đang được nhiều người quan tâm như hậu COVID có đáng sợ? Tại sao số người bị hậu COVID tăng?...

Thống kê số người có triệu chứng hậu COVID đang có dấu hiệu tăng. Thậm chí, các bác sĩ điều trị đã cảnh báo không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả những người trẻ, người mắc COVID-19 thể nhẹ vẫn có thể gặp phải di chứng hậu COVID-19 rất nặng.

Nhận biết di chứng hậu COVID

Hậu COVID là những di chứng người mắc COVID-19 gặp phải sau khi điều trị khỏi. Tại sao số người mắc hậu COVID ngày càng gia tăng? Và hậu COVID có thực sự nguy hiểm?

Trao đổi với phóng viên VOV.VN BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 càng tăng cao, thì số người có triệu chứng hậu COVID cũng gia tăng. Tuy nhiên, BS Phúc cũng nhấn mạnh, không phải ai cũng bị hậu COVID và tỷ lệ này cũng thấp.

“Hậu COVID có xảy ra, nhưng chúng ta phải hiểu rõ bản chất của hậu COVID. Sau 3 tháng điều trị khỏi COVID-19, nếu người bệnh mắc các triệu chứng không thể giải thích bởi các bệnh khác thì mới gọi là hậu COVID. Những người sau 3 tháng mắc COVID-19 nếu có triệu chứng bất thường thì cần đi kiểm tra, còn nếu sức khoẻ bình thường thì không cần phải quá lo lắng”, BS Phúc nói.

BS Phúc cũng chỉ rõ, các triệu chứng hậu COVID có thể liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh... Cụ thể, người bệnh sẽ dễ mệt mỏi hơn, hụt hơi, thở gấp, nhịp tim nhanh, hay có những người có biểu hiện của bệnh tiêu hoá như ăn không tiêu, tiêu chảy... “Hậu COVID có khá nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể nào để chứng minh. Bởi hiện nay nghiên cứu về hậu COVID còn rất ít và không có nhóm đối chứng. Hiện các nghiên cứu về hậu COVID chủ yếu ở mức thống kê chứ chưa có đối chứng”.

Cũng chia sẻ trong buổi livetream trên Facebook cá nhân tối 22/2, BS Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho rằng các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về di chứng hậu COVID nếu trẻ không có biểu hiện gì bất thường.

Giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh về việc trẻ mắc COVID-19, đặc biệt có Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), BS Trương Hữu Khanh nói: “Trẻ con gặp phải tình trạng MIS-C là rất bình thường. Nếu cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện sốt hoặc có bất thường sau khi đã khỏi COVID-19 thì hãy đưa con đi khám. Tuy nhiên, người lớn cũng không cần quá lo lắng. Đầu tiên, trẻ phải bị sốt thì mới gọi là MIS-C”.

Cần phát hiện sớm nếu đúng là hậu COVID

Tại BVĐK Đức Giang và Bệnh viện Hữu Nghị (đều tại Hà Nội) đang tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19. Trong đó, có bệnh nhân khi vào viện đã trong tình trạng rất nặng dù khi mắc bệnh chỉ ở mức độ nhẹ.

Theo TS.BS Lại Văn Hoàn, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị, không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả những bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ, không có triệu chứng; sau khi điều trị khỏi cũng có thể gặp những biến chứng nặng nề về nhiều hệ cơ quan.

BS Hoàn lưu ý người bệnh cần lắng nghe cơ thể sau khi mắc COVID-19 để phát hiện sớm các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, khó thở, đặc biệt là liên quan đến bệnh hô hấp và tới bệnh viện kịp thời để điều trị các tổn thương do hậu COVID.

Cũng theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 thường dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh nền khác, vì vậy, mọi người phải luôn tuân thủ 5K để phòng tái nhiễm bệnh./.

VOV.VN

Related articles
Tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất
Trước nhiều ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá cả vật tư tăng cao… người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tạo điều kiện phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu COVID có thực sự nguy hiểm?