Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói: Giải pháp căn cơ của thanh long Bình Thuận

24/02/2022, 05:45

Hiện nay, việc quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao về chi cục trồng trọt và BVTV các địa phương. Đây sẽ là cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số.

z3205230331638_150c1176b16bc19c2a7a50d3fb6090df.jpg
Dán tem thanh long xuất khẩu.

Cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Trong thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thanh long cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các quy định trong sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Kết quả, đến nay tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Ngoài ra, trong nửa cuối năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã thực hiện kiểm tra để cấp mã số cho 21 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Trung Quốc và 4 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói này đều đạt yêu cầu. Trong đó có 17/21 vùng trồng đã được cấp mã số và 4 vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói đang chờ phê duyệt của nước nhập khẩu. Trong cùng thời gian trên, đơn vị đã thực hiện giám sát 128 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Trong đó có 24 vùng trồng đạt yêu cầu; 91 vùng trồng không đạt yêu cầu; 13 vùng trồng đề nghị hủy mã số và 6 vùng trồng thay đổi thông tin vùng trồng.

Ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, trong năm qua do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hiện tại Cục Bảo vệ thực vật chưa có văn bản hướng dẫn về chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp tổ chức, cá nhân mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Do đó, gây ảnh hưởng đến uy tín chất lượng nông sản địa phương.

Mặt khác, khó khăn hiện nay của tỉnh là hầu hết nông dân bán thanh long qua thương lái nên chưa thấy được hiệu quả của việc cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long để xuất khẩu sang Trung Quốc không thông qua hợp đồng liên kết thu mua thanh long để sử dụng mã số vùng trồng hoặc xác nhận sản lượng thanh long thu mua để sử dụng mã số vùng trồng…

Cần quản lý chặt chẽ

Liên tục thời gian gần đây, tình hình thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng khó khăn do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi giá thanh long tại nhà vườn giảm sâu, ùn ứ xe hàng tại cửa khẩu và thị trường siết chặt các quy định xuất khẩu.

Một trong những yêu cầu quan trọng của thị trường, chính là việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thanh long Bình Thuận, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã kiến nghị Cục Trồng trọt tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thực hiện Điều 64, Luật Trồng trọt. Ban hành thông tư hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Song song, quản lý chặt chẽ đầu ra lô hàng xuất khẩu đúng nguồn gốc sản phẩm xuất xứ từ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ngoài ra cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý nông sản xuất khẩu, có thông tin 2 chiều từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, nhằm phối hợp kiểm tra, đối chiếu và giám sát chặt chẽ, hạn chế mạo danh mã số vùng trồng, minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định.

Trong thời gian sắp tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ phối hợp với các địa phương triển khai việc kiểm tra, giám sát định kỳ các cơ sở vùng trồng tối thiểu 1 lần/vụ. Riêng các cơ sở đóng gói thanh long tối thiểu 2 lần/năm để kịp thời phục vụ nhu cầu xuất khẩu thanh long. Về phía UBND tỉnh, để đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân, tỉnh đề nghị đơn vị chức năng xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng theo quy định. Đó cũng chính là một trong những giải pháp căn cơ của thanh long Bình Thuận ngay lúc này.

KIỀU HẰNG

Related articles
Mới lạ từ sản phẩm tương thanh long
Trái thanh long tươi hiện nay đang gặp khó khăn về đầu ra. Do đó đa dạng hóa các sản phẩm từ loại trái cây này là một trong những hướng đi cần thiết. Làm tương từ trái thanh long là một trong những ý tưởng mới lạ, độc đáo và đã ứng dụng vào thực tế của bà Hồ Thị Bạch Hoàng – Giám đốc HTX Thanh long Hàm Kiệm (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói: Giải pháp căn cơ của thanh long Bình Thuận