Vùng đất này thuộc 2 xã Hàm Liêm và Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc), nằm ở bên kia kênh chính Sông Quao đoạn Km26+470, trong đó có một giếng nước gọi là giếng Trăm được đào từ thời kháng chiến. Nơi đây có con đường dân sinh độc đạo nằm ở xóm 6, thôn Đại Lộc, Hàm Hiệp dẫn ra bờ kênh chính Sông Quao. Tại ngã ba này, người dân có thể đi thẳng qua cầu rẽ đường Hàm Liêm ra QL28 về thành phố Phan Thiết hoặc ra QL1A và cũng có thể men theo hai bên bờ kênh về phía hạ lưu và thượng lưu, có bên xa nhất khoảng 2km đến những cây cầu để qua bên kia kênh.
Tuy nhiên, dọc bờ kênh về phía thượng lưu (hướng xã Hàm Liêm và Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc) không thể đi lại vì có nhiều đập tràn hình chữ V bằng bê tông dẫn nước ra kênh chắn ngang. Còn bờ kênh phía hạ lưu (hướng cầu sắt xã Hàm Hiệp), nhiều “ổ voi, ổ gà”, chằng chịt lầy lội vào mùa mưa, hơn nữa đường đi vòng vèo mới ra được QL1A hoặc về Phan Thiết. Lối đi thẳng qua cầu kênh thuận tiện, quen thuộc nhất, năm 2020 Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh khống chế phương tiện đi lại bằng barie thanh chắn.
Nông sản bị ép giá
Đường sá đi lại khó khăn nên sản phẩm làm ra không bán được, nhất là vào mùa mưa. “Giá thanh long ở đây bao giờ cũng thấp hơn ở nơi khác, người ta bán 10.000 đồng/kg thì ở đây chỉ khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg vì thương lái trừ chi phí công vận chuyển”, ông Nguyễn Văn Đê trồng 2,6 ha thanh long ở xóm 6 chia sẻ.
Gia đình ông Đê cũng như nhiều hộ dân khác ở đây chỉ bán thanh long được cho thương lái quen, còn lại họ đến khảo sát vườn thu mua xong đều bỏ đi vì thấy đường đi lối lại quá khó khăn. “Từng có thương lái đến thu mua và đồng ý giá cả, đến ngày cắt trái, thấy việc vận chuyển về xưởng đóng gói bất tiện, mất thời gian, họ còn mắng nhân viên đi thu mua, không khảo sát cả đường đi lại...”, ông Đê nói.
Sản phẩm làm ra bị từ chối, ép giá chỉ với lý do đơn giản đường đi lối lại không thuận tiện khiến người dân giếng Trăm rất buồn. Nhưng vẫn phải chịu đựng, dù đắt hay rẻ cũng phải bán để nuôi sống gia đình. Phải chăng không có barie chắn ngang cầu thì xe tải chạy thẳng vào vườn vận chuyển thuận lợi. Bán với giá cao bằng thị trường bõ công chăm sóc, giảm bớt tiền chi phí vận chuyển phân, thuốc.
Mong một con đường vận chuyển thuận lợi
Trao đổi những bức xúc của người dân với Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp, ông Lê Thành Minh xác nhận người dân vùng giếng Trăm đi lối cầu kênh Sông Quao thuận tiện hơn. UBND xã cũng đã nhận được ý kiến của người dân phản ánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh dựng barie chắn trên cầu gây khó khăn việc vận chuyển nông sản. Chúng tôi đã kiến nghị nhưng công ty có văn bản trả lời việc họ làm như vậy là đúng vì để bảo vệ công trình tránh hư hỏng. Người dân có thể vận chuyển nông sản đi hướng hạ lưu, nếu đoạn này lầy lội, ổ voi, ổ gà thì làm đường bê tông theo Chương trình 135 xây dựng nông thôn mới, nghĩa là Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Công ty cũng cho biết, hệ thống cụm điều tiết nước kết hợp cầu giao thông cuối kênh chính Sông Quao tại vị trí K26+470 được thiết kế xây dựng vào 1997, có nhiệm vụ vận hành điều tiết nguồn nước từ kênh chính Sông Quao vào Kênh N33 và đưa nước về hồ Cà Giang, hồ Cẩm Hang phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp... đồng thời kết hợp giao thông cho các xe có trọng tải nhỏ lưu thông qua công trình. Qua thời gian đưa vào vận hành, có nhiều xe trọng tải lớn bao gồm xe khai thác khoáng sản trái phép lưu thông qua làm hư hỏng công trình ảnh hưởng đến việc cấp nước. Năm 2020, công ty đầu tư nâng cấp có thiết kế barie thanh chắn kích thước cao 2,3m, rộng 3,4m khống chế xe trọng tải lớn lưu thông qua nhằm bảo vệ công trình. Theo đó, xe trọng tải lớn lưu thông theo 2 hướng hạ lưu và thượng lưu, việc đặt barie tại đây là cần thiết, công ty khẳng định.
Chúng tôi rất mong muốn chính quyền cũng như ngành chức năng có giải pháp, giúp chúng tôi có một con đường thuận tiện để vận chuyển hàng hóa, từ đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập, yên tâm sản xuất.