Anh Nguyễn Xuân Tới, người “thổ địa” xã Hàm Chính hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn hoa thanh long của ông Hai Thảo tại thôn 2 chia sẻ: “Rất hiếm khi lữ khách bắt gặp cánh đồng thanh long mới nở hoa với màu trắng tinh khôi, những cánh hoa xòe rộng, khoe sắc vàng của nhụy, bởi hoa thanh long thường nở vào ban đêm giống như hoa quỳnh vậy. Lúc mới nở hoa rất tươi, hướng nhụy vàng ra không gian thoáng đãng lộng gió để thụ phấn. Khi mặt trời lên cao ánh nắng trải rộng thì hoa thanh long dần dần cúp lại. Vì thế, muốn ngắm hoa thanh long, thưởng thức mùi hương thơm của nhụy tỏa ra thì lữ khách nên đến vườn thanh long lúc sáng sớm. Hoa thanh long khoe sắc trên đầu mỗi trụ chỉ diễn ra một lần trong vài giờ đồng hồ. Nếu lúc hoa nở nhìn từ trên cao xuống cánh đồng ta bắt gặp một khung cảnh tuyệt đẹp, bởi màu trắng tinh khôi của hoa nổi bật trên nền xanh của cánh đồng, của nền trời xanh bao la, mùi hương thoang thoảng từ nhụy hoa lan tỏa đã cuốn hút bao ong, bướm đến tìm vị ngọt…”. Không chỉ có ong, bướm mà những người bạn của tôi từ Đà Lạt xuống trong những ngày đầu xuân cũng háo hức tìm đến cánh đồng thanh long ở Hàm Chính để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của một loài hoa trắng lúc bình minh. Thấy nhiều hoa quá, bạn tôi (Nguyễn Long) không tin chủ vườn giới thiệu nên mày mò đếm bằng được số hoa trên mỗi trụ thanh long. Anh Long nói: “Tôi đếm được 5 trụ, mỗi trụ có từ 50-60 búp và hoa. Cánh đồng thanh long này có cả ngàn trụ thì biết bao nhiêu hoa và bao nhiêu trái mà kể…”.
Ngày xuân ở Bình Thuận có rất nhiều loài hoa khoe sắc. Trên đường phố có màu vàng đậm kết thành từng chùm của hoa Osaka; màu tím của hoa anh đào; màu trắng sữa của hoa sứ; còn trên cánh đồng phủ kín một loài hoa trắng tinh khôi của thanh long. Thường trên mỗi trụ có rất nhiều hoa, nhưng chủ vườn chỉ giữ lại kết trái khoảng chừng một nửa. Những cánh hoa cúp lại chủ vườn hái bán cho nhà hàng chế biến các món ăn “đặc sản” của Bình Thuận. Anh Nguyễn Xuân Tới, xã Hàm Chính cho biết thêm: “Khi thị trường trái thanh long không còn nhộn nhịp, giá xuống thấp do khó tiêu thụ vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố liên quan đến dịch Covid-19 xuất khẩu thanh long bị hạn chế… thì hoa thanh long lại lên ngôi xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và tiêu thụ nội địa phục vụ khách du lịch…”. Một số nhà hàng tại thành phố Hồ Chí Minh hay các resort ở Hàm Tiến, Mũi Né lên thực đơn với nhiều món chế biến từ hoa, búp thanh long với tên gọi rất quý tộc là “hoa bá vương”, bởi các món ăn chế biến từ hoa, búp thanh long mang lại sức khỏe cho người dùng. Búp thanh long chỉ ở trên cây khoảng 20 ngày là tàn, nhưng các chủ vườn chong đèn cho ra hoa theo hình thức cuốn chiếu, nên lúc nào cũng có hoa thanh long bán trên thị trường. Hoa thanh long được coi là loại rau sạch, thanh nhiệt, bổ mát, nhất là khi hoa, búp chế biến với thịt bò, hải sản tươi rất ngon và bổ dưỡng. Anh Phan Bình, bếp trưởng một resort ở Hàm Tiến chia sẻ: “Các thực đơn từ búp thanh long tại Sài Gòn – Mũi Né Resort thường là súp thanh long nhồi càng ghẹ, tôm; canh hoa thanh long nấu thịt heo nạc; nụ thanh long muối chua, xào tỏi; canh hoa nấu thịt bằm… Hoa thanh long thường sau khi nở 7-8 ngày hái vào chế biến các món mới đủ độ thơm, dẻo và cũng cần biết cách xử lý sạch nhớt của loài hoa này…”.
Bình Thuận với hơn 32.000 ha thanh long, được xem là thủ phủ thanh long của cả nước. Trái thanh long đỏ rực, hoa thanh long trắng tinh khôi không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giờ đây những cánh đồng trái đỏ và cánh đồng hoa trắng phảng phất hương thơm còn là cảnh đẹp tuyệt vời và lạ lẫm với lữ khách phương xa. Những khu vườn của nông dân mở ra ngắm hoa, trái thanh long ở Bình Thuận đang là điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch trong và ngoài nước.